Sàn thương mại điện tử của tỷ phú Thái bất ngờ đóng cửa tại Việt Nam
Chỉ hơn 3 tháng, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến sự rút lui của hai “ông lớn” giàu tiềm lực và tham vọng là Robins và Vuivui.
Rạng sáng ngày 27/3, trang fanpage chính thức của trang thương mại điện tử Robins.vn đăng tải thông tin website này sẽ dừng hoạt động bán hàng trực tuyến từ hôm nay.
Hiện giao diện website Robins.vn đã không còn hiển thị chức năng mua sắm hàng hóa mà thay vào đó giới thiệu thông tin về hai cửa hàng Robins Department Store ở Hà Nội và TP.HCM. Còn ứng dụng Robins tuy vẫn còn một số sản phẩm nhưng không thể thanh toán sau khi thêm vào giỏ hàng.
Trong thông báo dừng hoạt động, Robins có thông tin rằng “chúng tôi sẽ sớm quay trở lại để tiếp tục phục vụ quý khách hàng với các mô hình mua sắm trực tuyến hấp dẫn và đa dạng hơn trong thời gian sớm nhất”.
Website thương mại điện tử Robins.vn tiền thân là Zalora - đơn vị song sinh của Lazada - do Rocket Internet thành lập và đặt chân vào Việt Nam năm 2012. Đến năm 2016, Zalora được bán cho Central Group và đến năm 2017, ông chủ mới đổi tên thành Robins - thương hiệu bán lẻ của tập đoàn này.
Là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của hàng loạt trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, liên tục có nhiều đơn vị đã phải rời bỏ thị trường. Điều này là không khó hiểu khi thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn được biết đến là chiến trường cực kỳ khốc liệt.
Theo báo cáo "Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam quý IV/2018" của iPrice Group, Robins.vn là website thương mại điện tử về thời trang có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt mỗi tháng. Xếp hạng ứng dụng của Robins cũng cao hơn các đối thủ cùng ngành. Nhưng cũng đã phải dừng cuộc chơi.
Thế giới di động đóng cửa trang Vuivui từ giữa tháng 12 năm ngoái. Và, Vuivui cũng từng được kỳ vọng dẫn đầu ngành thương mại điện tử với đích đến vào năm 2020 và và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thế giới di động. Hay trước đó là những cái tên như Cucre, Deca, Beyeu, Lingo... cũng ngưng hoạt động.
Tuy vậy, bất chấp khó khăn, ngành thương mại điện tử trong nước vẫn được coi là còn nhiều dư địa phát triển. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.
Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao, nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, thương mại điện tử Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn. Bên cạnh đó, cùng với việc các dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động và thay đổi lớn trong thời gian sắp tới.