Hai yếu tố để thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững

Nguyễn Long - Diễm Ngọc 30/03/2019 07:10

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều việc cần phải làm để thị trường phát triển trong tương lai.

Trao đổi với DĐDN, ông Hoàng Hà, Giám đốc Cty CP Sáng tạo ý tưởng kinh doanh (BCI) nhận định, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử của Việt Nam còn khá sơ khai, chính vị vậy Việt Nam đang trở thành "miếng bánh" hấp dẫn nhiều ông lớn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. 

Ông Hoàng Hà – CEO/coFounder CTCP Sáng tạo ý tưởng kinh doanh BCI

Ông Hoàng Hà – CEO - Co Founder CTCP Sáng tạo ý tưởng kinh doanh BCI.

-Trước thông tin “ông lớn” về thương mại điện tử là Amazon có thể xâm nhập vào thị trường Việt Nam, ông nhận định thế nào? Điều này sẽ tác động rao sao tới các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt hiện nay?

Amazon đối với thị trường Việt Nam vẫn luôn được mong đợi nhưng trong thời gian trước mắt, Amazon mới đang có bước thăm dò. Hiện nay tại Đông Nam Á, Amazon chưa bao phủ nên việc triển khai website hỗ trợ bán hàng cho thị trường Việt Nam thật ra là cho cho cả thị trường Đông Nam Á luôn. Và họ đang từng bước xây dựng hệ sinh thái chung trước khi đưa vào khai thác dịch vụ chính thống.

Amazon đã là một doanh nghiệp khổng lồ, họ không chỉ thương mại điện tử. Ví dụ mới đây họ đã xây dựng Amazon Go - một mô hình shop kéo từ online xuống offline. Họ vẫn khai thác song song 2 mảng dịch vụ trực tuyến và tại cửa hàng. Amazon dùng trí tuệ nhân tạo để giảm bớt việc phụ thuộc vào con người, 1 cửa hàng cụ thể, ở 1 vị trí cụ thể vẫn còn rất cần thiết đối với cả hệ thống của Amazon vì trong không gian đó, Amazon tạo ra trải nghiệm cho khách hàng, không chỉ trải nghiệm trên online vì nó không giải quyết hết được bài toán về cảm xúc.

Vậy nên việc Amazon bước vào thị trường Đông Nam Á đang là bước khởi đầu, có thể họ chưa có hệ sinh thái đủ vững nên họ mới chỉ dừng ở việc ship các sản phẩm từ các vùng khác vào Đông Nam Á.

Nếu Amazon đã sẵn sàng khai thác được sản phẩm từ khu vực theo vùng, họ sẽ tạo ra hệ sinh thái bền vững và chắc chắn Amazon sẽ là “mối họa” cho các “ông lớn” như Lazada, Shopee và những “ông lớn” khác. Nó sẽ làm cho thị trường bùng lên, nâng cao tính cạnh tranh, cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thêm cơ hội tham gia kinh doanh vào chuỗi cung ứng chung của Amazon.

- Vậy thực tế hiện nay, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển thế nào, thưa ông?

Trong thời gian qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam không ngừng phát triển, ngày càng có nhiều đơn vị tham gia vào thị trường này dần tạo ra một thói quen mua sắm trực tuyến ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo tôi đánh giá, trong thời gian này thương mại điện tử vẫn đang trong giai đoạn khá sơ khai tại thị trường Việt Nam so với thị trường thế giới, ví dụ như Lazada, Shopee cũng đầu tư khá nhiều tiền vào thị trường Việt Nam nhưng trong suốt thời gian qua chỉ chạy các hoạt động chủ yếu là khuyến mãi, thu hút khách hàng với mục tiêu là xây dựng được cơ sở dữ liệu Big Data để cho những bước tiếp theo.

Với sự sơ khai như vậy, hoạt động của các doanh nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam còn chưa đạt được lợi nhuận cao, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa có lãi. Đây mới chỉ là bước khởi đầu, các doanh nghiệp đang cố gắng chứng minh năng lực, sức hút và làm sao để nắm được nhiều dữ liệu khách hàng nhất có thể.

-Đâu là điểm phát sinh chi phí khiến doanh nghiệp kinh doanh chưa có lãi? Những hạn chế cần khắc phục của việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là gì?

Ở Việt Nam hiện nay, thương mại điện tử mới chỉ phát triển ở các thành phố, đô thị lớn, khách hàng mới tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… chưa có độ bao phủ rộng. Lý do của tình trạng này là bởi thương mại điện tử cần nền tảng cơ sở hạ tầng tốt, cụ thể, đó là một hệ sinh thái khép kín bao gồm nhà kho, thu gom sản phẩm, người vận chuyển, giao hàng. Như vậy, môi trường ngoại tuyến và trực tuyến phải có mối liên hệ khăng khít với nhau. Về điều này vẫn đang là một hạn chế để có thể mở rộng thị trường, đến các nơi vùng sâu vùng xa hơn.

Bên cạnh đó, việc mua bán online chưa lớn, người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng phương thức này, nên nhiều doanh nghiệp phải đầu tư tiền cho việc thu hút khách hàng và làm quen với dịch vụ này. Cụ thể, doanh nghiệp phải làm việc với các nhà sản xuất, đưa ra các chương trình khuyến mại mấy chục phần trăm để hút khách hàng. Việc đầu tiên là tạo thói quen, thứ 2 là họ có cơ sở dữ liệu khách hàng, đó là 2 bước đi đầu tiên trong việc đầu tư, nói cách khác doanh nghiệp đang xây dựng nền tảng chứ chưa thể có lãi.

-Bên cạnh yếu điểm về cơ sở hạ tầng và thói quen khách hàng, còn hạn chế nào đang “kìm chân” sự phát triển thương mại điện tử, thưa ông?

Thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam cũng là một vấn đề cần phải thay đổi. Tỉ lệ dùng tiền mặt để thanh toán tại Việt Nam vẫn còn rất cao, khi mà nhiều nước phát triển đang ưu tiên không sử dụng tiền mặt. Điển hình như Mỹ, Trung Quốc…với số tiền thanh toán không dùng tiền mặt mỗi năm lên tới hàng ngàn tỷ USD.

Trong khi đó, có một nghịch lý là người Việt Nam mua hàng qua mạng rất nhiều nhưng lại chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt. Hiện nay có đến 90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt. Một trong những lý do khiến người dân vẫn dùng tiền mặt khi mua hàng qua mạng đó là vì người dân chưa có niềm tin vào việc thanh toán không dùng tiền mặt, chưa đặt niềm tin vào thương mại điện tử.

Tại Trung Quốc hiện nay người ta đi mua rau cũng thanh toán qua QRcode rồi, vì vậy rất cần một môi trường, một hệ sinh thái tốt, đặc biệt là từ ngành dịch vụ ngân hàng để mọi người tiếp cận việc thanh toán điện tử thì thương mại điện tử sẽ phát triển.

-Vậy theo ông đâu là giải pháp để khắc phục, tiến tới xoá bỏ những “rào cản” kể trên, phát triển mạnh mẽ và bền vững thương mại điện tử?

Để phát triển bền vững phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền tảng công nghệ, cụ thể là cá nhân hóa các tương tác với khách hàng là cần thiết. Ở Việt Nam hiện nay vẫn hoạt động theo kiểu khá bao trùm, chưa cá nhân hóa được, ví dụ như là khách hàng ngại trong việc chia sẻ thông tin cá nhân. Nếu doanh nghiệp cứ đánh dạng thông tin trùm rồi gửi tất cả khách hàng sau đó lấy thông tin của họ thì người ta e ngại việc thông tin của mình bị dùng cho mục đích khác.

Nền tảng thứ 2 để phát triển bền vững đó là cần phải khai thác tốt trí tuệ nhân tạo, điều này ở Việt Nam cũng đang làm, đang giai đoạn phát triển rồi, nhưng mới chỉ nằm ở một số, chưa phải nền tảng trí tuệ nhân tạo chung cho cả môi trường doanh nghiệp.  Ví dự như ở một số doanh nghiệp bán lẻ khai thác trên Lazada, Shopee,... Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ con người tốt hơn trong việc xác định tập quán, thói quen người mua để từ đó đưa ra các tư vấn phù hợp, chứ ko phải để nhiễu thông tin rồi làm phiền khách hàng.

-Thương mại điện tử tương tác thông qua các kênh facebook, zalo được đánh giá là có nhiều triển vọng, ông đánh giá như thế nào về hướng phát triển này?

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ ở Việt Nam hiện nay, bán hàng thông qua tương tác mạng xã hội là rất phổ biến. Lợi ích đầu tiên là giảm chi phí do chưa có đủ nguồn tài chính để xây dựng, phát triển hệ sinh thái riêng đủ bền vững kèm theo chất lượng dịch vụ tốt.

Tuy nhiên, sự bất cập của kinh doanh trên mạng xã hội nằm ở vấn đề kiểm soát, gây đến những cạnh tranh mất không lành mạnh, bởi vì mọi người, từ cá nhân đến doanh nghiệp đều ó thể kinh doanh. Nếu nhà nước có cơ chế kiểm soát tốt bán hàng online sẽ quy củ hơn, tránh gây thiệt hại cho khách hàng, dẫn tới mất niềm tin cho  nền tảng chung.

Đối với việc thu thuế bán hàng online hiện nay nhà nước chưa có cơ chế cụ thể. Về cơ bản vẫn phải làm, tuy nhiên sẽ không đánh thuế qua những người tham gia trên mạng mà đánh thuế trực tiếp vào nguồn gốc cung cấp sản phẩm. Việc tính toán lời lãi như thế nào thì doanh nghiệp phải có phương án. Ở một số quốc gia như Pháp, cũng áp dụng cách quản lý đó, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm thứ nhất là trách nhiệm về sản phẩm, trách nhiệm với người tiêu dùng, trách nhiệm với cộng đồng sẽ tăng dần lên.

Hiện nay, kinh doanh trên mạng xã hội ở Việt Nam mới tập trung vào bán lẻ, khách hàng đặt mua online sản phẩm nhưng các doanh nghiệp đặt hàng lại rất ít, nghĩa là nguồn nguyên vật liệu sản xuất  vẫn chỉ dừng ở việc tham khảo trên website, quảng cáo qua mạng xã hội rồi sau đó gặp trực tuyến để giao dịch. Điều này cũng tạo ra chi phí lớn cho doanh nghiệp.

Nếu xây dựng được hệ sinh thái minh bạch, các doanh nghiệp có thể đặt hàng và mua bán trực tiếp với nhau ở trên nền tảng thương mại điện tử. Khi nguồn nguyên vật liệu đc minh bạch, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng lên và chi phí quản lí giảm đi thì lợi ích của doanh nghiệp tăng lên và lợi ích của khách hàng cũng tăng lên. Việc tận dụng nền tảng mạng xã hội là tất yếu vì quá mạnh, tài nguyên quá tốt mà không dùng thì vô cùng lãng phí.

 Xin cảm ơn Ông!

Nguyễn Long - Diễm Ngọc