Giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Nguyễn Long 31/03/2019 01:30

Đến năm 2020, Việt Nam có thể thiếu 400.000 nhân lực ICT nhưng hiện nay tỷ lệ sinh viên ngành này ra trường có được việc làm đúng chuyên môn chỉ có 28%, 72% phải đào tạo bổ sung.

Chất lượng nhân lực ICT vừa thiếu cả về lượng và chất

Chất lượng nhân lực ICT vừa thiếu cả về lượng và chất

Theo các chuyên gia, ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 400.000 nhân lực công nghệ thông tin.

Dù nhân lực ngành công nghệ thông tin và truyền thông đang thiếu về số lượng nhưng báo cáo của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng chỉ ra rằng, chỉ có 28% sinh viên ngành này ra trường làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, còn 72% sinh viên phải đào tạo bổ sung ít nhất 3 tháng do không có kinh nghiệm thực hành, thiếu kỹ năng làm việc nhóm...

Theo báo cáo của VietnamWorks về ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, trong 3 năm qua, số lượng công việc trong ngành này đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nêu thực tế tại buổi tọa đàm và triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) diễn ra vào hôm 30/3 rằng: "Các doanh nghiệp khát nhân lực và cạnh tranh lẫn nhau để giành được nhân lực và người tốt nghiệp dẫn tới có nhiều lựa chọn thì các em lại không chú ý đến chuyện học tập cho bài bản, đi sâu vào những năng lực cốt lõi, mong muốn đi làm ngay. Và như vậy nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao lại càng thiếu hụt. Tức là ta thiếu về quy mô, nhưng cũng từ thiếu quy mô đó dẫn tới chất lượng trình độ cao, trình độ chuyên gia lại càng thiếu hụt, đó là vấn đề đáng báo động".

Hầu hết doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi, đứng ngoài hoạt động đào tạo và chỉ mong muốn lấy nhân lực, mà chưa có trách nhiệm hợp tác với các trường đại học trong vấn đề đào tạo. Vì vậy, giữa nhà trường và doanh nghiệp cần có sự phối hợp từ khâu đào tạo, tạo môi trường thực tập, nghiên cứu khoa học... để đảm bảo nhân lực đào tạo ra đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng.

Theo PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), hạn chế hiện nay đối với các trường đại học trong đào tạo CNTT là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong khi sinh viên cũng còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai.

Để có thể sẵn sàng chuẩn bị được nguồn nhân lực ICT cho tương lai, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà cho rằng, các trường cần đổi mới các nội dung dạy và học. Dạy và học đều phải dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Bên cạnh đó, cần phát triển các nội dung chương trình mới, phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, từ thực tế thị trường, cung- cầu, chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cho thấy, vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không mới, nhưng muốn hiệu quả phải trở thành nhu cầu tự thân của cả hai bên. Cơ chế hợp tác này cần đổi mới theo hướng là các doanh nghiệp nhìn các trường như bạn hàng, cả hai bên đều có lợi ích.

"Cơ chế đổi mới theo hướng là tăng cường thực hành để làm sao tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp đâu đó có hình ảnh giống như trường đại học Y với bệnh viện. Các thầy phải gắn với môi trường thực tế và học sinh cũng phải thực tế. Bản thân các doanh nghiệp ấy cũng phải coi các trường đại học hay là các sinh viên là một tài sản của mình. Như vậy 2 bên mới đến được với nhau, chứ còn nếu như chỉ bằng hảo tâm, rồi cho một số học bổng, hay cho đi thực tập không thì chưa thiết thực", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Nguyễn Long