Kinh doanh bết bát ở mảng điện thoại, Sony 'nhảy' sang taxi công nghệ
Một liên doanh do Sony dẫn đầu mới đây đã chính thức ra mắt dịch vụ gọi xe taxi tại Tokyo, đánh dấu quá trình tham gia vào mảng vận tải.
TheoThe Verge, ứng dụng được chính thức ra mắt bởi công ty Minna no Taxi (Taxi cho mọi người), một liên doanh giữa Sony Corporation, Sony Payment Services và sáu công ty taxi Nhật Bản khác trong đó có hai công ty lớn nhất Tokyo là Daiwa và Kokusai. Sony cho biết số lượng xe taxi hiện có của liên doanh này lên đến hơn 10.000 chiếc.
Sony đặt tên cho ứng dụng là S.Ride với ký tự S tượng trưng cho ba từ khóa gồm simple (đơn giản), smart (thông minh) và speedy (nhanh chóng). Ứng dụng S.Ride hiện đã có thể chính thức sử dụng nhưng chỉ mới được thí điểm ở Nhật Bản, và hỗ trợ các hình thức thanh toán bằng tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc thông qua ví kỹ thuật số hỗ trợ mã QR. Sony cho biết họ sẽ sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để dự đoán nhu cầu và điều chỉnh nguồn cung phù hợp.
Nhật Bản là thị trường mà các công ty như Uber, Grab chưa thể đặt chân đến hoặc bị giới hạn do các dịch vụ cho đi nhờ xe tại đây bị quản lý gắt gao. Do đó, S.Ride về cơ bản chỉ là ứng dụng đặt xe taxi và khách có thể thanh toán bằng tiền mặt, thẻ tín dụng hoặc mã QR Code thông qua ví điện tử.
Chính vì mô hình này mà Uber hiện có kế hoạch tham gia vào thị trường Nhật Bản, nhưng bằng cách hợp tác với một công ty taxi.
S.Ride không phải là ứng dụng đầu tiên thuộc loại này tại thị trường Nhật Bản. Ứng dụng trò chuyện Line cũng đã hợp tác tương tự với công ty taxi Nihon Kotsu vào năm 2015, mặc dù đã kết thúc dịch vụ vào năm ngoái. Một đối thủ cạnh tranh lớn hơn là JapanTaxi, ứng dụng được điều hành bởi Ichiro Kawanabe, CEO Nihon Kotsu và chủ tịch của liên đoàn taxi Nhật Bản. Hiện Sony chưa công bố kế hoạch mở rộng dịch vụ sang các thị trường khác.
Tình hình kinh doanh của Sony đang khá bết bát, nhất là ở mảng điện thoại. Theo Slashgear, Sony Mobile có thể rút khỏi một số thị trường nhất định như Đông Nam Á và Trung Đông, nơi công ty chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Thực tế, "đại gia" một thời trong ngành di động đã âm thầm thu hẹp hoạt động và kinh doanh trong khu vực. Sony Mobile thông báo đóng cửa một trong những cửa hàng chính thức tại Malaysia. Các tài liệu tham khảo về smartphone cũng bị xóa khỏi website Sony tại quốc gia này. Có những báo cáo tương tự từ các thị trường khác như Singapore và Trung Đông. Tuy nhiên tại Philippines, Sony lại mở thêm cửa hàng.
Chiến lược kinh doanh của Sony Mobile tại Đông Nam Á được cho là không phù hợp ngay từ khi bắt đầu gia nhập thị trường. Điện thoại Xperia nhắm đến phân khúc cao và mức giá đắt hơn so với đối thủ, trong khi đây lại là khu vực đang phát triển. Sony cũng bị đánh giá bảo thủ trong vấn đề kinh doanh, điển hình là việc duy trì thiết kế cũ quá lâu.
Đã có những tin đồn rằng Sony dừng kinh doanh điện thoại tại Việt Nam từ cuối 2018 nhưng đại diện truyền thông của công ty bác thông tin này. Trên website của hai hệ thống bán lẻ điện thoại hàng đầu là Thế Giới Di Động và FPT Shop, Sony không còn được liệt kê trong danh mục các thương hiệu điện thoại. Khi tìm kiếm trên đó, các model của Sony đều được báo hết hàng hoặc không kinh doanh.
Trái với tình hình ảm đạm của smartphone, Sony vẫn kinh doanh tốt ngành TV, máy ảnh, âm thanh hay máy chơi game... tại Việt Nam và đạt được những vị trí nhất định trên thị trường.