Thế giới nghi ngờ, Huawei còn được tin ở Việt Nam?
Huawei đang nỗ lực lấy lại uy tín về sản phẩm trước bão dư luận.
Trên thị trường quốc tế, Huawei tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những cáo buộc hay tin đồn “cửa sau”. Dù vậy, những thị trường quen thuộc trước đây như Việt Nam nay cũng trở nên gai góc hơn trước.
Tăng trưởng giữa những nghi ngờ
Từ một nhà sản xuất nhỏ với các thiết bị điện tử giá rẻ, Huawei nhanh chóng trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Huawei báo cáo kết quả kinh doanh kỷ lục. Doanh thu năm 2018 lên đến hơn 105 tỉ USD, lợi nhuận ròng đạt 8,6 tỉ USD, lần lượt tăng 19,5% và 25% so với năm trước đó. Riêng về mảng điện thoại thông minh, quy mô doanh số năm ngoái đã xấp xỉ với Apple, vốn giữ thị phần lớn thứ 2 thế giới sau Samsung. Dù hơn một nửa doanh thu của Huawei đến từ thị trường Trung Quốc, nhưng các thị trường còn lại vẫn đang mở rộng nhanh chóng trong nhiều năm qua, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, nếu bóc tách cụ thể, mảng kinh doanh với các nhà mạng viễn thông trong năm qua của Huawei không được như kỳ vọng. Cụ thể, doanh thu mảng thiết bị hạ tầng với nhà mạng (chiếm 40,8% quy mô doanh thu) năm 2018 đã giảm 1,3%, trong khi mảng doanh nghiệp tăng 23,8%, còn mảng điện tử tiêu dùng (chiếm 48,4%) tăng đến 45,1% năm ngoái. Năm nay cũng là lần đầu tiên mảng điện tử tiêu dùng đóng góp doanh thu nhiều nhất cho Tập đoàn, chủ yếu nhờ sự thành công của điện thoại thông minh, bên cạnh các thiết bị khác như laptop, máy tính bảng hay đồng hồ.
Trái ngược với thông tin về hoạt động kinh doanh là những làn sóng nghi ngờ về sản phẩm Huawei trên thị trường quốc tế. Các sự kiện diễn ra dồn dập và liên tục, chẳng hạn như chính quyền Canada bắt Giám đốc Tài chính hay chuyện Mỹ tính cấm cửa các thiết bị của Huawei hay ZTE. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ mối quan ngại về chuyện “cửa sau”, tuyên bố sẽ xem xét lại sản phẩm của hãng này.
Tất nhiên, Huawei bác bỏ các cáo buộc gián điệp và chỉ ra rằng không có bằng chứng xác thực nào được tìm thấy. Thời gian qua, các đại diện cấp cao nhất của Tập đoàn xuất hiện liên tục, phủ sóng truyền thông quốc tế. Huawei còn thành lập cả Trung tâm đánh giá an ninh mạng thông qua sự hợp tác với Chính phủ Anh, nhằm kiểm định phần cứng và phần mềm của sản phẩm. “Trung tâm này chưa bao giờ tìm thấy một “cửa sau”, chỉ có lỗi lập trình”, như tờ The Economist nhận định trong một bài viết cuối tháng 12 năm ngoái, và đang được sửa lỗi. Một trung tâm tương tự được mở tại Đức, cũng kết hợp với cơ quan an ninh mạng của Chính phủ nước sở tại.
Những trung tâm này hiện chủ yếu đặt ở châu Âu, là thị trường lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Theo ông Fan Jun, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam, các tổ chức bên thứ ba có thể được tiếp cận nguồn thông tin này. Đây được xem là cách để Huawei lấy lại uy tín về sản phẩm của mình trước bão dư luận.
Bên cạnh những thông tin tiêu cực, sự hồ nghi của nhiều quốc gia trong chiến lược triển khai 5G, thì một số nước vẫn tỏ thái độ trung lập, hoặc thân thiện. Hiện có khoảng 34 hợp đồng về dự án triển khai 5G và tất cả đều nằm ngoài Trung Quốc, ông Fan Jun cho hay. Trong khi đó, theo báo cáo thường niên năm 2018 của Huawei, trong 2 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn đã ký 30 hợp đồng thương mại 5G với các nhà mạng lớn, dự kiến sẽ chuyển giao hơn 40.000 trạm phát sóng đi khắp thế giới.
5G là công nghệ băng tần mới dự kiến thay đổi toàn bộ cách thức giao tiếp và dữ liệu của nền kinh tế, nhưng điều quan trọng là dòng dữ liệu chảy qua các nhà mạng khi đó cũng nhiều hơn. Trong thời đại dữ liệu lên ngôi, việc bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thách thức tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đa phần người dùng thời gian gần đây biết đến các sản phẩm điện thoại của Huawei, nhưng ít biết đến chuyện internet hằng ngày họ sử dụng, đa phần đều có dấu ấn của Huawei. Huawei được cho là tham gia sâu với các nhà mạng Việt Nam, đi từ khái niệm 2G, 3G rồi thế hệ 4G, dù giá trị bắt tay chưa bao giờ được tiết lộ. Lịch sử 21 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam đưa đến cơ hội lớn cho Huawei trong bối cảnh các nhà mạng đang hướng đến 5G.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN về 5G tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 vừa qua, một thông điệp chung được đưa ra lần này là các nước ASEAN sẽ sớm tham gia vào cuộc cách mạng 5G. Đây cũng là khu vực có nhiều khách hàng quen thuộc của Huawei, không chỉ riêng Việt Nam.
Hiện nay, các nhà mạng Việt Nam cũng đang rất háo hức với dự án triển khai 5G thử nghiệm. Những tên tuổi quen thuộc để bắt tay cũng được nhắc đến, chẳng hạn như Nokia (Phần Lan) hay Ericsson (Thụy Điển). Đây đều là những đối thủ trực tiếp của Huawei. Được biết, năm 2018 mảng kinh doanh thiết bị hạ tầng viễn thông của Huawei tại Việt Nam có vẻ như không kỳ vọng. Đại diện Huawei từ chối trả lời về con số tăng trưởng doanh thu, chỉ cho biết đóng góp của mảng điện tử tiêu dùng (chủ yếu là điện thoại) hiện rất tốt.
Dù vậy, ngay chính mảng điện tử tiêu dùng mà Huawei đang muốn đẩy mạnh trên khắp thế giới, hiện cũng gặp những khó khăn tại Việt Nam. Huawei tuyên bố nhắm đến vị trí số 2 thị phần điện thoại vào năm 2020, nhưng hai vị trí dẫn đầu hiện nay lần lượt lại là Samsung và Oppo, vốn đang làm rất tốt chiến lược về sản phẩm, giá, kênh phân phối và cả các chương trình quảng bá.