Blockchain và cơ hội mở ra tương lai mới cho ngành nông nghiệp Việt
Blockchain không chỉ được ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc, logistics mà mọi giao dịch trong chuỗi giá trị nông sản sẽ được công khai và minh bạch.
Đó là nhận định của các diễn giả tại Tọa đàm "Công nghệ Blockchain 3.0" do Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á tổ chức ngày 20/4.
Ông Nguyễn Ngọc Ngân - Viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á chia sẻ, những thành tựu khoa học và công nghệ đang tạo nên kỷ nguyên mới, tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất, kinh doanh, từ sản phẩm, tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu, tác động tới sự tương tác giữa kinh tế thị trường và nhà nước.
Theo ông Ưng Thế Lãm - thành viên Câu lạc bộ Xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh, để hàng hóa có thể xuất khẩu vào thị trường Châu Âu thì sản phẩm của chúng ta phải đạt tiêu chuẩn châu Âu, vào thị trường Mỹ phải đạt tiêu chuẩn Mỹ,… mỗi nước đều có hàng rào về kiểm dịch bảo vệ thực vật và kiểm dịch riêng.
Tuy nhiên, người nông dân của Việt Nam hiện nay đang làm theo canh tác truyền thống, vì vậy hầu như nông sản chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như bán sang Trung Quốc. Như vậy, rất khó để xuất sang các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu… vì quy trình sản xuất không theo quy chuẩn nào nên khi xuất đi các nước sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc cũng như độ đồng đều của hàng hóa.
Trên thực tế ứng dụng công nghệ Blockchain 3.0 vào sản xuất nông nghiệp, trong đó đều có các điều khoản riêng. Ví dụ như người nông dân đăng kí bán hồ tiêu vào thị trường Nhật thì phải áp dụng theo tiêu chuẩn Nhật. Bình thường cây tiêu phải mất 1 năm sau mới cho thu hoạch, vì vậy đầu năm người nông dân đã phải đăng kí tham gia thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Sau khi đăng kí, Blockchain sẽ hiện lên ở vùng này có bao nhiêu nông dân đăng kí trồng hồ tiêu xuất Nhật, sản lượng là bao nhiêu?,… khi đó các nhà khoa học, nhà tư vấn, logistics, nhà tài chính,… sẽ đồng hành cùng người nông dân và doanh nghiệp cũng dựa vào đó để làm việc với đối tác nước ngoài.
Như vậy, bài toán về xuất khẩu trong nông nghiệp sẽ được giải quyết và đồng thời có thể giải quyết được tất cả các nhu cầu về vốn, chuyên gia, sản phẩm, công nghệ, đầu ra cho sản phẩm,… nhất là niềm tin của doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài được nâng cao. Người nông dân sẽ không bị ám ảnh bởi câu chuyện được mùa mất giá nữa.
Cũng tại buổi tọa đàm ông Phan Ngọc Vũ - Giám đốc nghiên cứu và phát triển công nghệ công ty CSE SG PTE LTD. Singapore cho biết thêm, đặc tính của blockchain là dữ liệu lưu trữ trong blockchain sẽ không thể bị ghi đè, sửa đổi, mỗi khối dữ liệu sẽ tồn tại mãi mãi. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ blockchain cho nông nghiệp giải quyết vấn đề xác nhận thông tin về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Hệ thống blockchain sẽ ghi lại tất cả các giao dịch được diễn ra và mọi người tham gia vào hệ thống này đó có thể thấy và có quyền xác minh tính chính xác của giao dịch đó. Những sản phẩm được bán ra sẽ được lưu lại toàn bộ quá trình bắt đầu từ giai đoạn gieo trồng, chăm bón và thu hoạch.
Ngoài ra, việc lưu trữ thông tin trên blockchain gần như sẽ không thể thay đổi, độ tin cậy của thông tin gần như tuyệt đối. Bởi vậy, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng hơn trong việc sản xuất các mặt hàng đúng tiêu chuẩn chất lượng và giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng sản phẩm vì có thể truy xuất được thông tin từ nguồn gốc, đến vận chuyển và nhà cung cấp… Blockchain sẽ là chìa khóa mở ra một tương lai mới cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.