Vì sao Samsung thu hồi toàn bộ bản thử Galaxy Fold?
Samsung đã ra tuyên bố thu hồi lại tất cả các bản dùng thử Galaxy Fold dành cho các chuyên gia đánh giá, blogger, nhà báo trên toàn cầu. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Samsung làm vậy?
Động thái này của Samsung Electronics Co Ltd diễn ra ngay sau khi gã công nghệ khổng lồ này hoãn ngày ra mắt Galaxy Fold vô thời hạn để khắc phục những lỗi được báo cáo đặc biệt là về vấn đề màn hình.
Theo đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới này liên tục nhận được các thông báo lỗi vỡ, phồng và màn hình chập chờn trên các sản phẩm dùng thử. Samsung cho biết những phát hiện sơ bộ cho thấy các lỗi trên có thể bắt nguồn từ những tác động tại các điểm tiếp xúc trên và dưới ở khu vực bản lề trên màn hình khi được gấp đôi.
Cũng theo Samsung, công ty sẽ có biện pháp để tăng cường bảo vệ màn hình, bao gồm việc tăng cường hướng dẫn về cách chăm sóc và sử dụng màn hình chứa lớp bảo vệ để khách hàng tận dụng tối đa Galaxy Fold của họ.
Trên thực tế, Samsung cũng có cảnh báo về những hư hỏng có thể xảy ra nếu như người dùng gỡ bỏ miếng dán bảo vệ màn hình của Galaxy Fold. Phóng viên Mark Gurman của Bloomberg đã gỡ bỏ miếng dán này và chiếc Galaxy Fold của anh ngay lập tức gặp vấn đề.
Mặc dù chưa thể khẳng định hành động này là nguyên nhân chính khiến cho những chiếc Galaxy Fold bị hỏng và không thể sử dụng được. Nhưng Mark Gurman tin rằng đây có thể là nguyên nhân, do Samsung đã cảnh báo ngay từ đầu nhưng có khá ít người dùng chịu đọc hướng dẫn sử dụng và những lời cảnh báo này.
Có vẻ như màn hình gập của Galaxy Fold được gắn kết chặt chẽ với tấm phim bảo vệ này. Do đó việc tháo bỏ tấm bảo vệ này có thể khiến cho màn hình của Galaxy Fold bị hư hại nặng.
Động thái hoãn ra mắt sản phẩm của Samsung có thể thấy rằng hãng đã rất chú trọng đến trải nghiệm người dùng, và trên hết là tránh lặp lại sự thất bại nặng nề trong quá khứ đối với dòng Galaxy Note 7.
Sự cố pin phát nổ của Galaxy Note 7 đã gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng lớn đến độ tín nhiệm của người dùng dành cho Samsung. Hãng công nghệ Hàn Quốc đã phải thu hồi khoảng 2,5 triệu chiếc smartphone trên toàn cầu, tờ The New York Times ước lượng sự thiệt hại có thể lên tới 17 tỉ đô la Mỹ. Giấc mơ bán 15-19 triệu Note 7 đã tan thành mây khói.
Thất bại của dòng Note 7 trong quá khứ đã cho thấy một hệ quả tất yếu của cuộc chạy đua công nghệ giữa các hãng sản xuất smartphone trên thế giới một cách ồ ạt như hiện nay. Lý do khiến một tập đoàn công nghệ tập trung vào các sản phẩm smartphone cao cấp và đặt chất lượng lên hàng đầu như Samsung lại có thể bỏ qua khâu kiểm tra pin một cách độc lập, đến từ áp lực cạnh tranh.
Galaxy Note 7 là sản phẩm mới mà Samsung kỳ vọng sẽ đủ sức đánh bại mẫu iPhone 7 của đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình là Apple, và để chiếm lĩnh thị phần thì Galaxy Note 7 phải ra mắt trước iPhone 7 một thời gian nhất định. Chính điều ấy khiến cho các bước kiểm định chất lượng cần thiết đã bị bỏ qua, nhất là khi một sự cố tương tự là chưa từng có tiền lệ.
Và giờ đây, để đi tiên phong với dòng smartphone gập, Samsung có vẻ như lại đi vào “vết xe đổ” trong quá khứ. Nhưng lần này may mắn hơn, Samsung đã quyết định dừng ngay việc ra mắt sản phẩm. Bởi họ biết rằng, nguy hiểm lớn nhất của Samsung lúc này là sự mất lòng tin, sự mất hình ảnh. Quyết định này của Samsung là vô cùng dũng cảm, thể hiện tinh thần cầu thị và luôn hướng về khách hàng.
Có thể nói, bài học tự sự cố Galaxy Note 7 đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong cách thức vận hành của Samsung. Michael Eugene Porter, GS đại học Havard đã nói rất đúng, “mọi doanh nghiệp chỉ sản xuất ra một thứ, đó là khách hàng”.