Lazada đang “hụt hơi” tại thị trường Việt Nam

Nguyễn Long 29/04/2019 03:01

Theo báo cáo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam quý I của iPrice, từ vị trí số 1, Lazada hiện bị Shopee và Tiki bỏ lại khá xa.

Thương hiệu ngoại như Lazada đang bị các doanh nghiệp nội địa như Tiki, Shopee vượt mặt.

Thương hiệu Lazada đang bị các doanh nghiệp như Tiki, Shopee vượt mặt.

Giảm lượng truy cập

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, lượt truy cập của Lazada giảm đến hơn 30% với 29 triệu lượt truy cập/tháng so với cùng kỳ năm trước và 10% so với quý gần nhất.

Tương tự Lazada, trang web bán hàng của Thế Giới Di Động cũng từng có thời điểm đạt tới 39 triệu lượt truy cập nhưng sang quý I/2019 chỉ còn 28,8 triệu lượt gần ngang bằng với Lazada nhưng vẫn phải xếp ở vị trí thứ 4. Tiếp sau đó là sàn thương mại điện tử Sendo với 25,3 triệu lượt truy cập mỗi tháng trong quý I/2019.

Với số lượt truy cập lớn nhất với gần 40,8 triệu lượt mỗi tháng, Shopee.vn tiếp tục là sàn bán lẻ trực tuyến thu hút nhất tại Việt Nam.

Vị trí thứ 2 là sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki.vn với gần 35,7 triệu lượt truy cập/tháng.

Theo ước tính của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30% và quy mô toàn thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường thương mại điện tử nói chung đặc biệt là cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử với mô hình B2C. Do đó, việc Lazada thay đổi chính sách không có lợi cho người tiêu dùng hay các vụ việc giao hàng nhầm, hàng lỗi đã nhanh chóng ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của sàn thương mại điện tử này.

Cụ thể, từ 15/3/2019, Lazada đã ngừng cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng kiểm tra hàng hoá trước khi thanh toán. Điều này đã dấy lên mối lo ngại vì về hàng lỗi, hàng hỏng do quá trình vận chuyển hay do nhà sản xuất gửi hàng lỗi mà người tiêu dùng không được kiểm tra.

Trong khi doanh nghiệp nước ngoài tên tuổi như Lazada.vn tiếp tục xu hướng tụt hạng từ nửa cuối năm ngoái thì một số doanh nghiệp nội như: Tiki.vn, Sendo.vn, Adayroi.vn lại vươn lên nhanh chóng.

Kết quả xếp hạng này một mặt cho thấy nhu cầu mua sắm online khổng lồ của người tiêu dùng Việt Nam, mặt khác cho thấy các doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có khả năng “sống khỏe” trước sự cạnh tranh của các đối thủ quốc tế.

Và kẻ rời bỏ cuộc chơi

Một điểm đáng chú ý khác của thị trường Việt Nam trong quý I là sự chia tay đột ngột của sàn TMĐT đứng đầu trong lĩnh vực thời trang Robins Online, tiền thân là Zalora Việt Nam.

Zalora là người anh em song sinh của Lazada, được Rocket Internet đưa vào thị trường Việt Nam từ năm 2012. Năm 2016, Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Lan Chirathivat mua lại Zalora Việt Nam và đổi tên thành Robins Online một năm sau đó để đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống của tập đoàn.

Tuy nhiên, sau 2 năm, Central Group đã phải đóng cửa sàn TMĐT từng được đặt nhiều kỳ vọng trong cảnh không kèn không trống với lời giải thích: "dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thể đưa ra kế hoạch rõ ràng cho Robins Online trong tương lai".

Trước khi ngừng hoạt động, Robins.vn là website TMĐT trong ngành hàng thời trang có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam với hơn 965.000 lượt mỗi tháng theo số liệu của iPrice và vẫn tăng trưởng đều đặn.

Nguyễn Long