Doanh nghiệp công nghệ Việt với khát vọng "Make in Viet Nam"

Nguyễn Long 09/05/2019 03:22

Sáng nay (9/5), tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Doanh thu ngành ICT năm 2018 đạt 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8% so với trước đó.

Doanh thu ngành ICT năm 2018 đạt 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8% so với trước đó.

Đây là diễn đàn quốc gia quan trọng do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo với khẩu hiệu “Make in Việt Nam”.

“Make in Việt Nam” – sản xuất bởi Việt Nam để phục vụ cho đồng bào mình và vươn ra thị trường thế giới. Cuộc vận động phải triển khai một cách toàn diện: từ nhận thức tới nâng cao năng lực, xây dựng nền tảng văn hóa, đổi mới công nghệ, nâng cấp quản trị, tăng cường kết nối, tổ chức công tác tiếp thị và phân phối... 

Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT,  Bộ TT&TT quyết định lựa chọn “Make in Vietnam” là thông điệp cho sự phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam trong giai đoạn mới. "Make in Vietnam" lại hàm nghĩa sự chủ động, khát khao sáng tạo, làm chủ của người Việt trong công nghệ.

Bộ TT&TT nêu rõ định hướng: doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và “Make in Vietnam” toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Chia sẻ về từng phiên chuyên đề tại Diễn đàn, bà Tô Thị Thu Hương cho biết, với chuyên đề “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam”, các diễn giả sẽ chia sẻ thực trạng ứng dụng và phát triển công nghệ Việt Nam để giải quyết các bài toán của Việt Nam, các bài toán sản xuất kinh doanh cần giải pháp công nghệ trong thời gian tới; thành công của một số doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sản phẩm, dịch vụ; trong việc thay đổi mô hình hoạt động, quản trị, đem lại hiệu quả cao.

Trong khi đó, phiên chuyên đề “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, các chuyên gia của Hàn Quốc, ADB Việt Nam và ĐH Fulbright sẽ chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.

Bà Hương nhấn mạnh: “Để đạt được mức thu nhập trung bình cao vào 2045, Việt Nam nhất thiết cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã “hóa rồng” trong vài thập kỷ”.

Trong chuyên đề “Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” của Diễn đàn, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ trình bày, chia sẻ về thực trạng và đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển công nghệ Việt Nam; phát triển doanh nghiệp công nghệ, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ.

Các diễn giả sẽ trao đổi, thảo luận với đại biểu tham dự Diễn đàn. Thảo luận là cơ hội để các tổ chức, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp phù hợp nhất cho việc phát triển doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với chuyên đề “Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ”, các diễn giả và đại biểu sẽ tập trung trao đổi về các giải pháp kết nối doanh nghiệp công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như nông nghiệp, y tế, dịch vụ công,… Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào sự phát triển một Việt Nam hùng cường.

Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2018, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nếu không tính các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, số lượng doanh nghiệp ICT là trên 30.000 doanh nghiệp. Doanh thu ngành ICT năm 2018 đạt 98,9 tỉ USD, tăng trưởng 8% so với trước đó.

Nguyễn Long