5G là lời giải cho bài toán chi phí và năng suất của doanh nghiệp?

Nguyễn Long 12/05/2019 00:30

Theo chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ 5G trong dây chuyền sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thậm chí trong vài trường hợp có thể giúp tiết kiệm hàng trăm nghìn USD.

Có thể ứng dụng công nghệ 5G cho dây chuyền sản xuất.

Có thể ứng dụng công nghệ 5G cho dây chuyền sản xuất.

Doanh nghiệp hưởng lợi

5G sẽ làm thay đổi căn bản cách vận hành và phát triển kinh doanh của các nhà khai thác kinh doanh, chuyển từ cách tiếp cận lấy hệ thống mạng làm trung tâm sang lấy hoạt động kinh doanh làm trung tâm, với hàng loạt các dịch vụ mới sẽ được cung cấp trong tương lai, như xe hơi được kết nối, sản xuất thông minh, khám chữa bệnh qua mạng di động, robot sản xuất được kết nối vô tuyến, dịch vụ thực tế ảo (VR) dựa trên đám mây (cloud), dịch vụ vận chuyển bằng thiết bị bay không người lái (drone), dịch vụ truy cập vô tuyến cố định…

Tại sự kiện Mobile Vietnam Congress 2019, ông Ray Williamson – Giám đốc phát triển sản phẩm Huawei tại châu Âu trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng, “tốc độ phát triển của 5G trên thị trường thế giới đang rất nhanh so với những gì chúng ta hình dung. Trên toàn cầu hiện nay, thiết bị đầu cuối 5G là smartphone đã có khoảng 40 mẫu thiết bị, trong đó châu Âu đang khu vực tiến rất nhanh về phát triển mạng 5G. Chính phủ châu Âu thực sự chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho phát triển các ứng dụng mới trên nền tảng 5G làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, qua đó góp phần thúc đẩy GDP của quốc gia”.

Các quốc gia trên thế giới cũng đang tích cực tham gia vào làn sóng triển khai công nghệ 5G trên quy mô lớn. Năm 2018 đã có 15 quốc gia công bố kế hoạch đấu giá băng tần 5G và con số này trong năm 2019 là 35 quốc gia.

Các số liệu thống kê cũng cho hay trong năm 2019, dự kiến thế giới sẽ có hơn 60 mạng thương mại 5G, trên 40 smartphone 5G được đưa ra thị trường, và sẽ có khoảng 10 triệu kết nối 5G trên toàn cầu.

Ông Ray Williamson cho rằng, đối với doanh nghiệp sản xuất, chế tạo khi ứng dụng 5G sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành và giúp nâng cao năng suất. Lấy ví dụ, nếu có vấn đề kỹ thuật trong chuỗi sản xuất có thể khiến doanh nghiệp mất tới 5 năm và trăm nghìn USD để giải quyết, nhất là với những công nghệ ở trình độ thấp. “Nhưng khi chuyển đổi sang mô hình sản xuất với công nghệ 5G, doanh nghiệp có thể tìm thấy ngay lỗi hệ thống ở đâu và tiến hành sửa chữa. Như vậy giúp giảm thiểu chi phí sản xuất cho doanh nghiệp” – Giám đốc phát triển sản phẩm Huawei cho biết.

Cụ thể hơn, nếu trong dây chuyền sản xuất bình thường khi xảy ra sự cố, doanh nghiệp phải dừng cả dây chuyền sản xuất lại để sửa chữa khắc phục. Nhưng với công nghệ 5G, dây chuyền sẽ được lắp đặt những bộ cảm biến trong suốt quá trình sản xuất. “Khi đó, để phòng tránh sự cố, trước khi xảy ra thì bộ cảm biến sẽ phát hiện ra những lỗi và thông báo về trung tâm điều hành để khắc phục những sự cố trước khi nó xảy ra” – Giám đốc Williamson cho biết.

Giá dịch vụ 5G thấp hơn 60% so với 4G

Theo Huawei, mức giá của băng tần 5G trên toàn cầu thấp hơn 60% so với mức giá của băng tần 4G. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ băng thông rộng di động. Và các băng tần C-band và TDD 2.6GHz sẽ là những băng tần 5G được nhiều quốc gia sử dụng.

Nếu như thế giới cần 10 năm để đạt được con số 500 triệu thuê bao cho công nghệ 3G (từ 2001-2010), cần 6 năm để đạt được 500 triệu thuê bao 4G (từ 2009-2015) thì dự báo 5G chỉ cần 3 năm (2019-2022) để đạt được số lượng thuê bao tương tự.

Cần phải mất 3 năm để các nhà sản xuất điện thoại 3G và 4G đưa một thiết bị từ phòng thí nghiệm ra thị trường, thì khoảng thời gian để thương mại hóa các thiết bị cầm tay 5G chỉ là 1 năm. Huawei nhận định rằng, giá của các sản phẩm smartphone 5G cũng sẽ giảm nhanh chóng cùng với sự gia tăng số lượng sản phẩm được tung ra thị trường: Năm 2019, mức giá trung bình của một smartphone 5G sẽ là khoảng 600 USD thì năm 2020, sẽ có hơn 100 mẫu smartphone được bán ra với mức giá trung bình 300 USD, và năm 2021 chúng ta sẽ có những chiếc smartphone 5G có mức giá 150 USD.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai 5G, các nhà khai thác viễn thông cũng phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là việc phải đầu tư nhiều trạm thu phát sóng 5G hơn so với 4G, chi phí cao cho việc hiện đại hóa các trạm phát 5G, và sức ép về việc nhanh chóng cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Ngày 10/5, Việt Nam cũng đã thử nghiệm thành công cuộc gọi 5G đầu tiên, ghi tên mình trên bản đồ 5G thế giới. Đây là một bước tiến vượt bậc cho thấy sự phát triển của khoa học kĩ thuật Việt Nam.

Cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện. Tại cuộc thử nghiệm, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 – 1,7 Gbps – vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.

Nguyễn Long