Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp Việt duy trì lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu

Ngọc Hà 15/05/2019 00:00

WEF dự báo rằng, chuyển đổi số sẽ mang đến 100.000 tỷ USD trong 10 năm tới trên tất cả các lĩnh vực, các ngành công nghiệp và ở mọi nơi.

Theo đó, lĩnh vực sản xuất, từ lâu vốn đã là động lực đảm bảo sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng chính là chìa khóa cho sự chuyển đổi này.

TS

TS Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam.

Đó là chia sẻ của TS Brian Hull, Tổng Giám đốc ABB Việt Nam về ảnh hưởng sâu sắc của các cuộc Cách mạng năng lượng và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến hoạt động sản xuất hàng hóa, và đời sống của con người.

- Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố mới đây, ba xu hướng là điện khí hóa, số hóa và phân hóa sẽ tạo nên những đổi mới về công nghệ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Những xu hướng này rất phù hợp với Việt Nam. Nhờ các sáng kiến hỗ trợ của chính phủ trong sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời - hiện đang phát triển nhanh chóng, điện khí hóa đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có về nguồn năng lượng phân tán, lưu trữ năng lượng, điện mặt trời áp mái, xe điện và cơ sở hạ tầng sạc được tích hợp vào lưới điện.

Người sử dụng điện sẽ đóng vai trò như những nhà sản xuất năng lượng trong những thời kỳ thấp điểm. Các nguồn năng lượng phân tán kết hợp với các khái niệm lưới điện siêu nhỏ và lưới điện nano sẽ giúp cho lưới điện được phân hóa tốt hơn. Song song với nó là ngành công nghiệp của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs). Các doanh nghiệp này cùng với các doanh nghiệp lớn giúp phân hóa sản xuất công nghiệp với một hệ sinh thái sản xuất hợp tác và linh hoạt.

Với những thay đổi không ngừng của điện khí hóa và phân hóa, số hóa đóng vai trò chính trong việc cung cấp thông tin và dữ liệu thời gian thực về sản xuất, dự báo thời tiết, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường, đồng thời cung cấp hành vi sử dụng nhằm tối ưu hóa hoạt động của điện năng và sản xuất trong thời gian thực. Bộ cảm biến thông minh, truyền thông nhanh hơn, giám sát từ xa, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp thực hiện điều này. ABB đã hợp tác chặt chẽ với WEF trong các vấn đề, như tương lai của sản xuất, chuyển đổi năng lượng và cuối cùng là trung tâm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

- Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của các ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam trong việc tận dụng và thích ứng với các công nghệ chủ chốt trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 này?

Việt Nam đang chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh mẽ của mình trên cả hai khía cạnh, vốn FDI và tỷ lệ xuất khẩu. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (FDI) trong quý đầu năm 2019 đạt 10,8 tỷ đô la, đạt kỷ lục về giá trị FDI tính đến nay và tăng 86,2% so với cùng kỳ năm trước.

Để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng số hóa trong các ngành công nghiệp - sản xuất tiên tiến thông qua robot và tự động hóa - một lĩnh vực khác mà ABB có thể đóng góp.

Chúng tôi tin rằng chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ theo ba cách, bao gồm giáo dục nên tập trung vào các công nghệ kỹ thuật số như học máy, trí tuệ thông minh, robot trong cả giáo dục nghề và đại học, khuyến khích áp dụng, thông qua ưu đãi tài chính cho những doanh nghiệp cạnh tranh trong ngành và bắt buộc công nghệ thông minh trong các dự án đấu thầu của chính phủ cũng như tập trung vào đổi mới địa phương.

Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ và khuyến khích các công ty khởi nghiệp địa phương và thúc đẩy mô hình hợp tác giữa ngành công nghiệp, Chính phủ và giới học thuật về các công nghệ thời đại mới (AI, ML, robot).

Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, hay quốc gia nào đều phải đưa ra hai lựa chọn – hoặc trở thành người lãnh đạo, hoặc sẽ là người đi theo, và ABB chọn vị trí dẫn đầu.

- Vậy, ABB đã thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Trong hơn 26 năm qua, dẫn đầu trong các phân khúc tự động hóa và năng lượng của Việt Nam, ABB đã tham gia vào một số dự án quan trọng trong nước, bao gồm cung cấp năng lượng và tự động hóa các nhà máy công nghiệp lớn hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giúp khách hàng cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm thiểu các tác động tới môi trường. Hành trình xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.

Với khả năng lãnh đạo về công nghệ, kinh nghiệm toàn cầu và đội ngũ dịch vụ tài năng có mặt trên toàn quốc, ABB cam kết hỗ trợ quá trình hội nhập và nắm bắt cơ hội giúp xây dựng tương lai kỹ thuật số cho các ngành công nghiệp Việt Nam.

Việt Nam cần nâng cao nhận thức về nền kinh tế kỹ số, trong đó ba yếu tố chính đóng vai trò quan trọng đó là: nguồn nhân lực trình độ cao, công nghệ và an ninh mạng.

Do đó, ABB rất coi trọng việc thúc đẩy giáo dục, đặc biệt là đào tạo các kỹ sư. ABB tại Việt Nam đã tặng các công nghệ mới nhất  của mình cho các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Những thiết bị này đã giúp đưa quy trình làm việc và kinh nghiệm thực tiễn vào môi trường học tập.

Chúng tôi cũng đã mở trung tâm dịch vụ và kỹ thuật robot đầu tiên của Việt Nam tại phía Bắc để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các công nghệ sản xuất tiên tiến.

Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Chúng ta đã thấy các tập đoàn lớn trong nước như VinFast sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong nhà máy sản xuất của họ hay các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bắt đầu tìm kiếm các giải pháp quản lý kỹ thuật số. Dù là cung cấp các giải pháp về thành phố thông minh, nhà máy thông minh, lưới điện thông minh hay năng lượng tái tạo hoặc xe điện, ABB luôn mong muốn sẽ tiếp tục mang các công nghệ tiên tiến của mình vào Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Ngọc Hà