Hợp tác PPP giúp Việt Nam giải quyết thách thức trong CMCN 4.0

Grant Dennis - Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Consulting Việt Nam 20/05/2019 11:00

Mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cung cấp các giải pháp năng động và thiết thực có thể giải quyết các thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt.

Nhằm làm rõ các tác động về nhận thức, chỉ ra các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, PwC đã công bố kết quả cuộc Khảo sát Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam”.

Những người tham gia khảo sát của PwC đều dự đoán rằng việc tiếp cận nhanh sẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, có thể kể đến như hoạt động đạt hiệu quả cao hơn, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận với khách hàng do số hóa và tự động hóa mang lại.

Theo đó, mặc dù những người tham gia khảo sát chưa thể biết được chính xác tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động sản xuất và đời sống, nhưng họ đều rất lạc quan và phần lớn cho rằng đó là thái độ tích cực.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức mang tính mà Việt Nam phải đối mặt, so với các nước trong khu vực, do mức độ trưởng thành khác nhau giữa các thị trường. Cụ thể, những thách thức mà người tham gia khảo sát chỉ ra đó là việc thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật số, không đủ kỹ năng của nguồn nhân lực địa phương, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Đặc biệt là các hạn chế về các kỹ năng, kiến thức và khả năng cụ thể, cần thiết phải có để biến những tiềm năng của kỹ thuật số thành hiện thực tại Việt Nam.

Trước những khó khăn, thách thức như vậy, 64% số người được hỏi đồng ý rằng các doanh nghiệp cần đi đầu trong việc đảm bảo Việt Nam có thể thành công trong thời đại 4.0. Ngoài ra, 1/3 số người tham gia khảo sát yêu cầu rằng, Chính phủ cần tham gia vào quá trình này.

Đặc biệt, mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cung cấp các giải pháp năng động và thiết thực có thể giải quyết các thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Liên quan đến sự tham gia của Chính phủ trong quá trình này bao gồm việc thiết lập khung hợp tác công tư hoặc phát triển khung kỹ năng toàn ngành để cung cấp hướng dẫn và sự rõ ràng về các kỹ năng cần thiết để Việt Nam có thể thành công.

Theo đó, bằng hoạt động đầu tư từ khu vực tư nhân, Chính phủ có thể đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng hoặc đưa ra các ưu đãi thuế phù hợp cho các khoản đầu tư của doanh nghiệp.

Dựa trên kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các công ty hàng đầu và Chính phủ trên khắp Đông Nam Á, chúng tôi đã xác định 5 khuyến nghị thiết thực về hợp tác công tư (PPP) cho con đường tiến về phía trước của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đầu tiên là xây dựng nhận thức. Nhận thức là nền tảng cho phép và trao quyền cho các cá nhân, nhóm và doanh nghiệp hành động. Nâng cao nhận thức sẽ có tác động tích cực tổng thể đến sự sẵn sàng của Việt Nam để nắm lấy cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng liên quan đến vấn đề này, các cơ quan phụ trách về phát triển công nghiệp 4.0 cần đóng một vai trò tích cực hơn trong việc truyền thông về công nghiệp 4.0 để tạo ra sự hiểu biết thấu đáo hơn về cuộc cách mạng này.

Thứ hai là phát triển khả năng kỹ thuật số. Lực lượng lao động có thể được phân tách thành ba loại: lực lượng lao động hiện tại, những người mới tham gia vào lực lượng lao động và học sinh - sinh viên. Các doanh nghiệp nên đi đầu trong việc xác định các yêu cầu nâng cao kỹ năng và bồi dưỡng lại lực lượng lao động hiện tại và đảm bảo sự phát triển chuyên nghiệp của lực lượng lao động liên tục.

Đối với những người mới tham gia thị trường lao động, các doanh nghiệp nên phát triển chương trình giảng dạy dựa trên việc phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của Chính phủ.

Đối với học sinh - sinh viên, Chính phủ cần đảm bảo cung cấp nền tảng giáo dục kỹ thuật số. Nền tảng giáo dục như vậy có thể truyền cảm hứng cho trẻ em đón nhận công nghệ từ nhỏ.

Chương trình giảng dạy, nói chung, nên đáp ứng các kỹ năng cần thiết cho các công việc mới trong tương lai để thay thế những công việc sẽ bị mất do máy móc và phần mềm.

Tiếp theo, để tạo không gian cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển tại Việt Nam đòi hỏi một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng có hướng dẫn. Bao gồm một mạng băng rộng di động an toàn, ổn định có khả năng cung cấp kết nối internet cho tất cả các ngành nghề và cho cả xã hội, bất kể họ cư trú ở đâu.

Theo đó, nếu như doanh nghiệp xác định các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và nền tảng giao tiếp, thì vai trò của Chính phủ là xác định các chính sách và quy định để khuyến khích, quản lý sự phát triển bền vững của các cơ sở hạ tầng đó tại Việt Nam.

Yếu tố thứ tư liên quan đến an ninh mạng và an toàn số. An ninh mạng là một yêu cầu cơ bản quan trọng để xây dựng lòng tin kỹ thuật số lâu dài. Chính phủ cần khuyến khích các nhà khai thác di động tăng tốc triển khai 4G và 5G trong tương lai trên toàn quốc, cùng với Internet vạn vật, tuân thủ các giao thức và cơ chế an ninh mạng nghiêm ngặt phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng, chúng ta nên xem xét việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo. Điều này nên được thực hiện tại các địa điểm có thể cung cấp động lực tốt nhất cho tăng trưởng. Một số tiêu chí cần xem xét bao gồm mức độ dễ dàng tiếp cận các kỹ năng cần thiết, hành lang quy định thuận lợi, cơ hội tài chính thuận tiện và hỗ trợ chéo cho các ngành công nghiệp tương tự.

Với các trung tâm đổi mới sáng tạo này, Chính phủ có thể khuyến khích (thông qua giảm thuế, miễn thời gian thuê và trợ cấp chính phủ) cho các công ty trong nước và quốc tế đầu tư vào các ngành công nghiệp chính. Những sự hỗ trợ như vậy trong các lĩnh vực như CNTT, truyền thông, vận tải, sản xuất, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, y tế và giáo dục có thể giúp tạo ra các dự án và sáng kiến cải tiến cho tương lai. Các trung tâm đổi mới này cũng thúc đẩy tinh thần kinh doanh tại Việt Nam, cho phép, trao quyền và truyền cảm hứng cho mọi người và các công ty đổi mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một sự tiến hóa. Nó không diễn ra một sớm một chiều mà là cả một quá trình, trong đó các ngành nghề khác nhau thực hiện các hành trình chuyển đổi kỹ thuật số với tốc độ khác nhau. Nếu có thể thu hút các nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân để nắm lấy cơ hội này thì Việt Nam rất có khả năng vượt qua các thị trường khác.

Grant Dennis - Giám đốc Công ty Tư vấn PwC Consulting Việt Nam