Về đâu “chiến tranh công nghệ” Mỹ - Trung?
Trong mắt nhiều chuyên gia, đi kèm theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để thống trị kinh tế thế giới, còn một cuộc chiến về công nghệ không kém phần gay gắt.
Bùng nổ chiến tranh công nghệ?
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh trong tháng này khi cả hai bên đã chuyển sang tăng thuế đối với hàng hóa của nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng mức thuế từ 10% trên 200 tỷ đô la vào ngày 10/5, sau đó Bắc Kinh đã trả lời vài ngày sau đó với kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ đô la Mỹ vào ngày 1/6.
Tại Hội nghị thượng đỉnh hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu của Tencent tại Côn Minh, Trung Quốc hồi tháng 3, Mã Hóa Đằng - CEO của Tập đoàn Tencent đưa ra nhận định các thành phần kinh tế của Trung Quốc đã trưởng thành và các kịch bản ứng dụng trong kinh doanh ngày càng phong phú, mang lại những thách thức mới cho các ngành công nghiệp truyền thống.
Tương lai của Internet sẽ để phục vụ các ngành công nghiệp. Dựa trên điều này, Tencent cũng đã thực hiện các điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh và quyết tâm trở thành cánh tay hỗ trợ trong thời kỳ công nghiệp kỹ thuật số trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
“Nếu chúng ta không tiếp tục làm việc chăm chỉ về khoa học nghiên cứu cơ bản và các công nghệ cốt lõi, nền kinh tế kỹ thuật số của chúng ta sẽ chỉ là một tòa nhà cao tầng được xây dựng trên cát, khó duy trì, chưa kể đến việc chuyển đổi sang mới từ các trình điều khiển cũ của tăng trưởng hoặc thúc đẩy phát triển chất lượng cao” - Mã Hóa Đằng nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý rằng, vì Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao của sự phát triển, nên ngày càng có ít chỗ cho việc lấy ý tưởng.
Donald Trump đã biến cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc thành trung tâm của tranh chấp, nhưng sự bất đồng cũng bao gồm các khiếu nại của Mỹ về yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc và thiếu bảo vệ sở hữu trí tuệ. Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bổ sung Huawei Technologies và các chi nhánh vào danh sách an ninh, điều này sẽ khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc kinh doanh với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Một ví dụ trong sự canh tranh công nghệ được nêu bật là tập đoàn ZTE, rốt cuộc được phép hoạt động tại Mỹ nhưng với điều kiện chấp nhận giám sát của nhân viên an ninh Mỹ tại văn phòng của mình trong 10 năm.
Trung Quốc hiện đang phát triển hệ thống định vị của riêng mình để không phải sử dụng hệ thống GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu (Beidou) của Trung Quốc được cho là có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2020.
Trong lĩnh vực thẻ ngân hàng, Trung Quốc đang gạt qua một bên các tập đoàn Mỹ như Visa, Master Card hay American Express với những quy định rất chặt chẽ để thay thế bằng thẻ Trung Quốc : Aliplay, WeChat, UnionPay.
Mạnh yếu bất phân
Theo bà Sylvie Matelli, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), Trung Quốc đang vươn lên mạnh về công nghệ thông tin liên lạc, và đó là những công cụ làm gián điệp. Sức mạnh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này nằm ở chỗ họ nắm được thông tin có giá trị không chỉ về kinh tế, tài chính mà cả về chiến lược, dù đó là thông tin về đời sống cá nhân, thu thập qua các mạng xã hội, hay thông tin mang tính chiến lược hơn về các chính phủ hay công ty, tập đoàn.
Và chúng ta hiện ở trong thế đối đầu này để xem ai sẽ có phương tiện và công nghệ học để thu thập một lượng tối đa thông tin ? Những thông tin đó cũng là một nguồn sức mạnh về quân sự, và cũng là một mặt trận trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Trên Bloomberg, nhà phân tích Tim Culpan cho rằng vẫn còn một khả năng nhỏ là Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại và đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng sẽ xác định rằng nước này không thể dựa vào công nghệ Mỹ.
Ông dự đoán chính quyền Trung Quốc sẽ đổ tiền ồ ạt để Huawei và các công ty công nghệ nội địa khác phát triển hệ điều hành điện thoại di động riêng, thiết kế chip riêng, phát triển công nghệ bán dẫn… và áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ riêng. Khi đó, một “bức màn sắt kỹ thuật số” sẽ hình thành, chia rẽ thế giới thành hai khu vực công nghệ hoàn toàn riêng biệt.
“Vậy là chiến tranh lạnh công nghệ đã bùng nổ. Chiến thắng sẽ không thuộc về bên có lực lượng thiện chiến nhất, mà thuộc về bên có khả năng chịu đựng cơn đau thất bại trong thời gian dài”, ông Culpan nhấn mạnh.