Huawei đối mặt thách thức tạo hệ sinh thái của riêng

Nguyễn Long 26/05/2019 12:25

Với thời hạn 3 tháng để Huawei sử dụng các dịch vụ cung cấp từ Google, hãng viễn thông lớn số 1 Trung Quốc đối mặt với thách thức lớn nhất là tạo ra một hệ sinh thái Huawei, thay thế Google.

Nhiều hãng điện thoại lựa chọn tạo riêng cho mình một hệ điều hành, nhưng kết quả đều thất bại.

Nhiều hãng điện thoại lựa chọn tạo riêng cho mình một hệ điều hành, nhưng kết quả đều thất bại.

Khởi đầu cho hệ sinh thái Huawei

Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Google, báo cáo cho biết rằng vào cuối năm 2018, Huawei đã bắt đầu hợp tác với các nhà phát triển ứng dụng khác nhau. Là một phần trong thỏa thuận được đề xuất của công ty, các nhà phát triển sẽ tạo các ứng dụng Android phù hợp với trung tâm kỹ thuật số của Huawei. Đổi lại, Huawei sẽ cung cấp cả hỗ trợ tiếp thị và tiếp xúc với cửa hàng ứng dụng trực tuyến tại Trung Quốc. Ngoài ra, để làm cho quá trình dễ dàng, một công cụ đơn giản cho phép các nhà phát triển sửa đổi phần mềm ứng dụng Play Store để hoạt động trên cửa hàng ứng dụng của Huawei đã được cung cấp.

Bên cạnh các cuộc đàm phán này, Huawei đã bắt đầu thảo luận với nhiều nhà mạng châu Âu về việc cài đặt trước cửa hàng ứng dụng của mình - được gọi là App Gallery - trên smartphone.

Trước đó, CEO Richard Yu của Huawei tuyên bố rằng Huawei đã tự làm một hệ điều hành riêng từ năm 2012 nhưng không sử dụng rộng rãi mà vẫn sử dụng hệ điều hành Android của Google. Sau khi bị Google “cắt cầu”, Huawei sẽ lấy hệ điều hành HongMeng OS của mình để thay thế.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, từ lệnh cấm đối với Huawei thì bản thân thương hiệu này cũng như các hãng smartphone khác tại Trung Quốc sẽ phải tính tới phương án dự phòng một hệ điều hành có thể cho riêng Huawei hoặc cho các thương hiệu smartphone Trung Quốc nói chung với sự hậu thuẫn để phát triển từ chính phủ.

Theo phương án này, chí ít họ có một thị trường nội địa khoảng 1,4 tỉ dân với trên 500 triệu người dùng smartphone sử dụng hệ điều hành thay thế là nền tảng khá vững chắc để tồn tại và phát triển, sau đó sẽ tính đường đưa hệ điều hành này theo thiết bị đầu cuối phát triển thị trường bên ngoài.

Về nguồn lực tài chính và chất xám không phải là vấn đề quá lớn. Song cái khó nhất là làm sao Huawei cũng như các thương hiệu smartphone Trung Quốc thuyết phục được người dùng sử dụng hệ điều hành của họ khi người dùng toàn cầu đã quá quen với Android  và những ứng dụng, dịch vụ trên nền tảng đó như Gmail, YouTube, Google Maps, Google Play.v.v…

Thách thức nào cho Huawei?

Việc tạo ra một hệ sinh thái riêng cho smartphone Huawei là một thách thức không hề nhỏ, có thể thấy bài học từ các hãng di động khác như Nokia (Phần Lan) hay BlackBerry.

Hãng điện thoại Phần Lan với sự hậu thuẫn từ Microsoft đã tạo nên hệ điều hành riêng Windows Phone với hoài bão sẽ vượt mặt hai hệ điều hành Android và iOS. Nhưng chính hệ thống ứng dụng không phong phú và bị các nhà phát triển bỏ quên dẫn đến nhiều ứng dụng được xuất hiện trên Android và iOS nhưng không có trên kho ứng dụng của Windows Phone. Điều này dần dần khiến người dùng quay lưng lại với Windows Phone, mặc dù đây là hệ điều hành với giao diện tùy biến rất dễ sử dụng.

Điều này cũng diễn ra tương tự với BlackBerry, vì quá đóng kín và sự phát triển hệ sinh thái ứng dụng cũng không được mạnh mẽ, cùng với đó, BlackBerry thiếu sự hỗ trợ tốt của thương mại hóa sản phẩm để lan tỏa đến số lượng người dùng lớn, nên cũng đi đến tàn lụi trước làn sóng mạnh liệt từ Android.

Quay trở lại với kho ứng dụng của Huawei dành cho hệ điều hành HongMeng OS, có thể thấy Huawei đang rất nỗ lực với App Gallery của Huawei nhưng để đối chọi với Android và iOS là khá khó. Bởi riêng việc không có quyền truy cập vào Android và các sản phẩm khác của Mỹ thực sự là thiệt hại lớn cho công ty. Mặc dù Huawei chiếm thị phần gần 20% và có hệ điều hành dựa trên Android của riêng họ mang tên KirinOS, công ty vẫn không có quyền truy cập vào Google Apps. Hãng cũng phải đối mặt với vấn đề không có Twitter, Facebook, Instagram, WhatsApp hay Messenger,… vốn đều là những tính năng chính cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người ở Châu Âu - một trong những thị trường quan trọng nhất của Huawei.

Rất nhiều ý kiến chuyên gia khi đề cập đến tình huống sau khi Huawei bị Google “cắt cầu” theo lệnh cấm có thể sẽ tung ra hệ điều hành cho thiết bị của riêng mình, nhưng khó mà thành công, bởi nhiều hệ điều hành cho smartphone đã từng thất bại trước Google như kể trên.

Hiện trên thế giới, ngoài iOS của Apple, thế giới smartphone còn lại với hệ điều hành hầu hết thuộc về Android của Google (không tính smartphone tại Trung Quốc chạy hệ điều hành Android theo Dự án nguồn mở Android không có các ứng dụng phổ biến của Google).

Nguyễn Long