Việt Nam đang trở thành bàn đạp cho hacker
Đó là nhận định của Đại tá PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khi nói về thực trạng an toàn an ninh mạng tại Việt Nam.
Tại diễn đàn Security World 2019 diễn ra sáng ngày 29/5, Đại tá PGS.TS Đỗ Anh Tuấn cho biết “Gần đây, xuất hiện các ổ nhóm đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó, chúng tập trung vào hoạt động trên lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, tài chính, ngân hàng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Hoạt động lừa đảo của tội phạm người nước ngoài, hoạt động tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp”.
Đại tá Bộ Công an chỉ ra rằng trong 5 tháng đầu năm 2019, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc tội phạm đến từ nước ngoài vào Việt Nam làm thẻ giả để rút trộm tiền, thậm chí sử dụng để mua cả những mặt hàng giá trị lớn như kim cương. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng Bộ Công an đã bắt giữ trên 120 đối tượng người nước ngoài về hành vi phạm tội này.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, đã phát hiện trên 2.500 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công hàng trăm ngàn máy tính bị nhiễm mã độc, đáng chú ý Việt Nam đang xếp thứ 4 trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma botnet, bị tin tặc sử dụng làm bàn đạp để tấn công nước khác.
“Thậm chí nhiều tội phạm thông qua internet tại Việt Nam để phạm tội tại quốc gia khác” - Đại tá nhấn mạnh.
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, gần đây cơ quan công an còn phát hiện nhiều nhóm tội phạm nước ngoài vào Việt Nam với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kinh doanh đa cấp để phạm tội lừa đảo tiền ảo như đường dây PinCoin, iFan với quy mô lên tới 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập các hợp tác xã đào tiền ảo, lợi dụng sự hám lời của người dân, dụ dỗ để mua máy đào tiền với mức từ 5.000 USD và thuê chính các đối tượng để “đào” tiền ảo...
“Tiền ảo, tài sản ảo đang được các tổ chức tội phạm sử dụng nhằm mục đích tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, mua bán vũ khí, ma túy”, vị đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Lý giải về thực trạng mất an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam, đại diện Bộ Công an chỉ ra rằng hiện nay việc đầu tư thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh mạng chưa tương xứng với thực tại và tương lai. Sự phát triển như vũ bão về KHCN đã khiến cho vòng đời của sản phẩm an ninh mạng ngắn lại, yêu cầu đầu tư để theo kịp sự phát triển, không bị lạc hậu trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn là một trong những thách thức đặt ra.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia an ninh mạng chưa theo kịp yêu cầu về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, internet, an ninh mạng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trong năm 2019, Cục An toàn thông tin đã đưa ra 5 xu hướng chính về an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Một là tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng. Hai là tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin. Ba là giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ và phát tán thông tin độc hại trên không gian mạng. Bốn là tấn công mạng, lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Năm là tấn công hạ tần, thiết bị IoT, đô thị thông minh… và lợi dụng để thực hiện các tấn công khác.