Những thách thức trong thanh toán phi tiền mặt

Nguyễn Long 31/05/2019 11:00

Theo Phó Thống đốc NHNN Nghiêm Thanh Sơn, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những hạn chế.

Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018

Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng. Số lượng thẻ đến tháng 9 năm 2018 đạt 147,3 triệu thẻ. Máy ATM, POS đạt lần lượt 18.587 và 243.123 máy. 

"Năm 2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018" - Phó Thống đốc cho biết.

Việc thanh toán bằng QR code hay còn gọi là một chạm, được các tổ chức quan tâm để thúc đẩy thanh toán qua điện thoại di động. Đến nay đã có 16 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán này, toàn thị trường có 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. 

Giao dịch qua ATM trong quý I/2019 đạt 232,8 triệu giao dịch với giá trị 676.550 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch qua POS cũng tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với quý Inăm ngoái, đạt 55,8 triệu giao dịch với 132.922 tỷ đồng. 

Phó thống đốc cho biết, Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đưa việc xây dựng “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ giao NHNN chủ trì thực hiện trong năm 2019.

Để thực hiện “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia”, thanh toán điện tử là một trong những trụ cột quan trọng đóng góp vào triển khai thành công Chiến lược. Trong những năm qua, hệ thống khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không ngừng hoàn thiện, xây dựng mới làm cơ sở cho phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện ích đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng thanh toán quốc gia đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2018 gấp 13 lần GDP.

An toàn, bảo mật trong hoạt động của các hệ thống thanh toán luôn được quan tâm, coi trọng, đặt ưu tiên hàng đầu. Các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ luôn được bảo vệ, đề cao nhằm củng cố hơn nữa niềm tin của người dùng vào các phương tiện thanh toán điện tử, ông Nguyễn Kim Anh cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Thanh Sơn, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn những hạn chế như: hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử chưa đồng bộ, mới tập trung ở các thành phố, đô thị. Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử chưa được triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán vùng nông thôn, miền núi. 

Ngoài ra, người dân phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt do tâm lý e dè, ngại tìm hiểu, sợ rủi ro. Điều này đã ngăn cản việc tiếp cận của người tiêu dùng với các hình thức thanh toán điện tử. 

Đồng tình với quan điểm của Phó Thống đốc, bà Trần Thu Hương, Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ của VIB Bank cho biết: "Thực tế là đến thời điểm hiện nay việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Có tới 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm về cơ sở vật chất để tạo cơ sở vất chất tốt cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam". 

Để người dân thuận tiện hơn với các thủ tục ngân hàng, theo bà Trần Thu Hương hiện VIB trong tháng 5 VIB đã đem công nghệ rất mới về thị trường Việt Nam đó là thẻ ảo. Theo đó, ngay lập tức người tiêu dùng sẽ nhận được thông tin thẻ ảo mà không cần chờ thẻ vật lý như trước mà chỉ cần truy cập vào VIB hoặc vào app My VIB để đổi mã PIN và tiến hành giao dịch trong chưa đầy 5 phút. 

Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, trong thời gian tới, để thúc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NHNN xác định một số định hướng, giải pháp đồng bộ. Cụ thể, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý xác thực điện tử, tiền điện tử; mở rộng dịch vụ, phát triển các dịch vụ thanh toán phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua đi động.

Bên cạnh đó, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi, lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn, trong đó bao gồm việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox Framework) cho lĩnh vực Fintech, công nghệ, mô hình thanh toán mới; đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng - các công ty Fintech nhằm mở rộng địa bàn và đối tượng phụ vụ để cung ứng dịch vụ ngân hàng - tài chính tiện ích, phù hợp nhu cầu, chi phí hợp lý tới khách hàng, góp phần tích cực phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính tới người dân ở khu vực nông thôn.

Cùng với đó, NHNN cũng chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán di động.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đang bước vào những năm cuối với mục tiêu đạt tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đây là điều không hề dễ dàng nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2019 đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thí điểm những mô hình thanh toán mới, buộc các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), ngành NH sẽ phải có nhiều giải pháp chủ động và đột phá hơn nữa, áp dụng công nghệ, các giải pháp sáng tạo để đạt được mục tiêu như đã đặt ra.

"Có thể coi đây là giai đoạn nước rút, cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để vừa thực hiện thành công đề án, vừa bổ sung, hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc thực thi chiến lược này cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt" - bà Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh.

Nguyễn Long