Rủi ro phụ thuộc công nghệ nước ngoài

Trương Khắc Trà 03/06/2019 11:15

Mỹ “cấm cửa” Huawei không chỉ là bài học, mà còn là lời cảnh tỉnh cho những quốc gia mới bắt đầu phát triển kinh tế công nghệ.

Năm 2018, Huawei chi 70 tỷ USD mua linh kiện nước ngoài, trong đó 11 tỷ USD từ Mỹ, nhưng phần lớn còn lại đến từ các đồng minh của Mỹ.

p/Điện thoại Huawei được áp dụng giảm 2 triệu đồng tại Thế giới di động. Ảnh: S.T

Điện thoại Huawei được áp dụng giảm 2 triệu đồng tại Thế giới di động. Ảnh: S.T

Gã khổng lồ trên “đôi chân đất”

Sự xâm nhập của Huawei vào 170 quốc gia khiến người Mỹ lo lắng! Năm 2017, Mỹ chính thức mở cuộc điều tra về việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, đe dọa an ninh nước Mỹ, thông qua ép các liên doanh chuyển giao công nghệ.

Như một hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại, Huawei bất đắc dĩ bị biến thành “vật tế thần”, bắt đầu bằng việc Washington gây sức ép buộc Canada bắt giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu.

Sức mạnh của Huawei chính thức phơi bày khi ông Trump ký sắc lệnh khẩn cấp cấm các công ty Mỹ không được bán thiết bị cho Huawei, lập tức Google, Intel, Qualcomm, Infineon, Broadcom, ARM… ngừng hợp tác với Huawei.

Đáng nói, Trung Quốc phản kháng yếu ớt, mặc dù lãnh đạo tập đoàn này mạnh miệng tuyên bố có thể thiết kế hệ điều hành mới thay thế Android và chuyển sang sử dụng dịch vụ của Yahoo thay thế Gmail. Tuy nhiên, cứ một nhà cung ứng “nghỉ chơi” với Huawei, người dùng cảm thấy như bị vô hiệu hóa một phần.

Có thể nói rằng, không những Huawei mà bất kỳ doanh nghiệp nào nếu bị Mỹ cấm vận sẽ “khó sống”. Không những Trung Quốc, mà Nhật Bản những năm 70 cũng bị Mỹ đe nẹt do tiếp cận vị trí số một.

Lời cảnh tỉnh

Xu thế hội nhập hiện nay rất khó biệt lập, nhưng công nghệ có mối liên hệ mật thiết với an ninh quốc gia, việc quá phụ thuộc vào bên ngoài là mối nguy tiềm tàng.

Với Việt Nam, công nghiệp công nghệ là đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng không thể xây dựng bằng con đường vay mượn, du nhập. Chìa khóa nằm ở khả năng sáng tạo của người Việt, ít nhiều vẫn phải làm chủ những công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia như mạng viễn thông, thiết bị 5G, cảnh giác với những mặt hàng công nghệ phải nhập khẩu liên kiện để lắp ráp.

Việc thành lập khu công nghệ cao, “thung lũng silicon” là hướng đi đúng đắn, nhưng nếu những nơi đó chỉ tập trung doanh nghiệp công nghệ ngoại quốc thì không có ý nghĩa phát triển bền vững từ gốc.

Tiềm lực phải dựa vào khởi nghiệp, từ ý tưởng đến nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất tại chỗ như khẩu hiệu “Make in Vietnam”. Sự thành bại của kinh tế công nghệ phụ thuộc vào mật độ tập trung của tầng lớp tinh hoa được hậu thuẫn bởi chính sách thông thoáng.

Trương Khắc Trà