FPT Retail nếm "quả đắng" với nhóm sản phẩm "táo khuyết"
Với FPT Retail, hợp tác với Apple trên luật chơi "thuyền lên nước lên và ngược lại", khiến Công ty năm qua nếm quả đắng cho nhóm sản phẩm "quả táo khuyết" này.
Trong quý I/2019, lợi nhuận sau thuế của FPT Retail tăng không đáng kể, chỉ 0,14%. Con số này kém rất xa mức tăng 20% của năm 2018, 39% của năm 2017 và 42% của năm 2016.
Thị trường bán lẻ thiết bị di động chững lại là nguyên nhân khiến FPT Retail gặp "điểm tới hạn" trong kết quả kinh doanh. Xét trên bình diện chung, chuỗi bán lẻ nào cũng phải chịu tác động đáng kể. Đi sâu hơn, sự suy giảm rõ rệt trong đà tăng doanh thu và lợi nhuận của "ông chủ" chuỗi FPT Shop còn gắn liền với việc Apple ra mắt 3 mẫu điện thoại mới gồm iPhone XR, XS và XS Max vào giữa tháng 11/2018. Các sản phẩm mới này ghi nhận mức tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng, dẫn đến việc giảm giá bán sản phẩm iPhone để giải quyết hàng tồn kho, tác động tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Thống kê cho thấy, doanh thu từ các sản phẩm Apple chiếm khoảng 36% trong tổng doanh thu FPT Retail trong quý I/2019, giảm đáng kể so với mức 40% của quý I/2018. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm Apple cũng giảm xuống 6,5% trong quý I/2019, so với mức 7,5% của quý I/2018.
Trước đây, trong chiến lược kinh doanh của mình, FPT Retail quyết định đẩy mạnh chuỗi F.Studio – chuyên kinh doanh sản phẩm Apple - đây được xem là 1 trong 3 chiến lược kinh doanh trọng điểm của doanh nghiệp giai đoạn này. Nói về lý do lựa chọn bán sản phẩm "quả táo", FPT Retail cho biết bên cạnh nền tảng hiện có về chuỗi cửa hàng, Việt Nam là thị trường thứ 3 trong kênh phân phối của Apple, đứng sau Thái Lan và Singapore. Sớm chớp lấy thời cơ, ngay từ năm 2014 FPT Retail đã nhập sản phẩm Apple chính hãng, sau 2 năm Công ty thành lập được 80 khu trải nghiệm Apple Corner.
Chiến lược này những năm 2016-2017 tỏ ra khá hiệu quả khi doanh số từ sản phẩm Apple liên tục tăng, kéo doanh thu toàn Tập đoàn tăng trưởng mạnh mẽ, biên lãi cũng theo đà đi lên.
Với FPT Retail, hợp tác với Apple trên luật chơi "thuyền lên nước lên và ngược lại", khiến Công ty năm qua nếm quả đắng cho nhóm sản phẩm "quả táo khuyết" này. Tính đến cuối năm 2018, số cửa hàng chuỗi F-studio (bao gồm APR và cửa hàng AAR side-by-side) đạt 14 đơn vị, đóng góp 423 tỷ đồng vào tổng doanh số Tập đoàn, mặc dù tăng 61% song biên lợi nhuận ghi nhận sụt giảm, kéo mỏng biên lợi nhuận gộp FPT Retail về chỉ còn 13,4% (so với mức 13,8% năm 2017).
Với việc doanh số điện thoại toàn thị trường được dự báo sẽ sụt giảm, dự báo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện hữu của FPT Retail sẽ chỉ ở mức 0%-1%. Đóng góp tăng lên của 2 chương trình F.Friends và Subsidy (từ 10% lên 12%) và mặt hàng phụ kiện có thể giúp tổng doanh thu cả năm tăng 10%. Biên lợi nhuận của mảng công nghệ khó có thể hồi phục lại mức của năm ngoái, giảm 30 điểm cơ bản xuống còn 13,1% cho cả năm 2019.
Thị trường iPhone tại Việt Nam vẫn cho tín hiệu kém lạc quan và FPT Retail cũng chưa có kế hoạch cụ thể cho việc tiếp tục mở rộng chuỗi này. F.Studio chỉ có một cửa hàng mới được mở trong cả năm 2018.
Dự báo về tình hình kinh doanh của FPT Retail, VDSC kỳ vọng mảng điện thoại của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục hồi phục trong phần còn lại của năm nhờ biên biên lợi nhuận gộp mảng iPhone được cải thiện và 2 hãng điện thoại có thị phần dẫn đầu tại Việt Nam là Samsung và Oppo cùng tung ra các sản phẩm chủ lực từ quý II trở đi.