Amazon – Đế chế robot trong tương lai

Theo Tri thức trẻ 16/06/2019 14:50

Với các ứng dụng robot và tự động hóa rộng rãi trong quá trình sản xuất kinh doanh, Amazon là ứng cử viên sáng giá nhất cho một hình mẫu về một đế chế robot trong tương lai.

Trong một số video quảng cáo hay phim tài liệu, để nói về một nhà máy hay công ty thành công, bạn dễ thấy hình ảnh khá quen thuộc trong đó một người công nhân đang nhanh tay sắp xếp hoặc gói hàng, niêm phong và đặt nó lên băng chuyền với các thao tác trong chỉ chưa đến nửa phút. Bạn có thể ngạc nhiên về tốc độ làm việc mà họ có thể tạo ra.

Tuy nhiên, ở Amazon, những hình ảnh như thế này sẽ sớm biến mất. Theo một số báo cáo, từ nhiều năm qua, Amazon đã sử dụng robot để đóng gói và vận chuyển hàng trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, CEO của Amazon là Jeff Bezos cũng luôn cho thấy mình là một người rất tôn trọng và thấu hiểu sức mạnh của robot. Qũy đầu tư của ông đã dành nhiều triệu USD vào các công ty robot như Rethink Robotics, hay đứng ra tổ chức các cuộc thi robot hàng năm để thu hút các công ty khởi nghiệp, cũng như thúc đẩy các tổ chức nghiên cứu và phát triển giới thiệu những loại robot mới nhất.

d

Biếm họa về đế chế robot của Amazon trong tương lai.

Đây liệu có phải là những dấu hiệu ban đầu, báo hiệu cho một thời đại mà các công ty như Amazon sẽ dần trở thành một đế chế robot như trong truyện tranh hay các bộ phim hoạt hình, khoa học viễn tưởng.

Không. Chính Amazon đã tự trả lời những câu hỏi như thế này.

Bởi để có được một trung tâm logistic hoàn toàn tự động cần ít nhất một thập kỷ nữa. Tuy nhiên so với các công ty công nghệ khác, Amazon là ứng cử viên sáng giá nhất cho một hình mẫu về đế chế robot trong tương lai.

Hãy cùng điểm qua những công nghệ robot đang được tập đoàn bán hàng trực tuyến này sử dụng.

Robot gói hàng tự động ở Amazon

Robot gói hàng tự động ở Amazon

Đầu tiên là CartonWrap, một trong những con robot mới nhất của hãng. Nó có thể quét mã hàng hóa trên băng chuyền, tự động cắt bìa các-tông phù hợp với kích cỡ rồi đóng gói chúng. Quá trình này chỉ mất vài giây, nhanh gấp hàng chục lần so với việc đóng gói thủ công.

Nếu hai robot như vậy được triển khai trong mỗi kho, thì ít nhất 24 người lao động có thể bị cắt giảm. Điều này có nghĩa là tổng cộng 1.300 người có thể bị cắt giảm tại 55 trung tâm hậu cần trên khắp nước Mỹ của Amazon trong khi chi phí để triển khai những thiết bị này có thể được bù đắp hoàn toàn trong vòng hai năm. Trung tâm của cỗ máy này là những cánh tay robot linh hoạt và khéo léo trong khâu dán giấy, gói hàng và dán phiếu trước khi vận chuyển chúng lên xuống băng tải.

Còn nổi tiếng nhất tại Amazon là hệ thống robot Kiva. Năm 2012, công ty đã bỏ ra 775 triệu USD để mua lại công ty Kiva System, đổi tên thành Amazon Robotics và biến nó thành công ty chuyên sản xuất robot cho các nhà kho của Amazon. Năm 2014, Kiva bắt đầu được đưa vào hoạt động. Bề ngoài, nó trông như một cái nồi quá khổ, chạy bằng năng lượng điện nhưng có thể nâng một kệ hàng nặng khoảng 1,3 tấn và tự động di chuyển theo lệnh từ xa. Nó có thể di chuyển kệ hàng mục tiêu từ nhà kho đến khu vực xử lý, sau đó di chuyển các kệ trống trở lại vị trí ban đầu. Khi pin quá yếu, Kiva sẽ tự động trở về vị trí sạc để tự sạc.

Về cơ bản, nó giống như một nhóm công nhân chăm chỉ, liên tục đi lại trong nhà kho. Làm thế nào để tránh va chạm vào nhau trong quá trình di chuyển là một trong những công nghệ cốt lõi của Kiva System, thứ đã được Amazon nhìn thấu và đánh giá cao.

Robot Kiva, nhân công chính trong các kho hàng lớn của Amazon.

Robot Kiva, nhân công chính trong các kho hàng lớn của Amazon.

Còn từ năm 2013, Amazon đã đưa ra khái niệm phân phối hàng bằng máy bay không người lái. Cuối năm 2015, nguyên mẫu của nó mang tên Prime Air đã được ra mắt. Tuy nhiên, mãi tới tháng 12/2016, Prime Air mới hoàn thành chuyến giao hàng đầu tiên. Về nguyên tắc, nó sẽ lấy bưu kiện từ dây chuyền lắp ráp của trung tâm hậu cần và chuyển hàng tới tận cửa nhà của khách. Ngoại trừ việc đặt hàng, toàn bộ quá trình không yêu cầu sự tham gia của con người.

Tuy nhiên, thời gian hoạt động và hành trình của máy bay không người lái bị hạn chế, rất khó để đáp ứng việc vận chuyển bằng hàng không trong mọi điều kiện. Để giải quyết vấn đề này, Amazon đã phát hành một video khái niệm về "tàu sân bay chuyển phát nhanh".

Công ty đặt tên cho thiết bị này là AirternFulfillment Center, hay "Trung tâm thực hiện đơn hàng trên không" (AFC). Kho chứa hàng trên chiếc hàng không mẫu hạm này có thể mang theo một số lượng lớn máy bay không người lái và hàng hóa lơ lửng ở độ cao 13.700 mét. Khi đến gần khu vực của khách hàng, máy bay không người lái có thể mang bưu kiện ra khỏi cabin và đem bưu kiện đi giao. Sau đó, nó sẽ bay trở lại cabin để chờ nhiệm vụ tiếp theo.

Ngoài chuyển phát nhanh trên bầu trời, Amazon cũng tung ra hệ thống chuyển phát nhanh trên mặt đất. Cũng vào đầu năm nay, Amazon đã công bố thử nghiệm robot phân phối hàng có tên Scout tại bang Washington, Mỹ. Nó là một con robot sáu bánh, sơn màu xanh dương nổi bật, có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh nhỏ và có thể di chuyển dọc theo vỉa hè với tốc độ đi bộ của con người. Khi đến địa điểm được chỉ định, khách hàng sẽ được thông báo. Sau khi gói hàng được lấy ra, "cửa tủ" sẽ tự động đóng lại và đơn hàng tiếp theo sẽ được giao.

Có thể thấy, Amazon đã nỗ lực rất nhiều trong kế hoạch phân phối tới người dùng cuối. Nhưng rất khó để đảm bảo an toàn cho robot do giới hạn về trọng lượng quá tải của máy bay không người lái, giới hạn về không gian của tàu sân bay và an toàn của robot trên phố. Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn và không ít vấn đề phải giải quyết như làm thế nào khi người nhận không ở nhà, làm sao để hàng hóa không bị biến dạng khi giao…

Tuy nhiên, Amazon chưa từng có ý định từ bỏ tham vọng của mình. Trên thực tế, đây là con đường bắt buộc phải đi. Nhiều người khi nghĩ tới tự động hóa lại quan tâm nhiều hơn đến tình trạng thất nghiệp của con người khi tạo ra máy móc. Nhưng tốc độ phát triển của thời đại sẽ không bao giờ dừng lại, bất kể mọi người phàn nàn về tỷ lệ thất nghiệp như thế nào, thời đại robot sẽ đến. Ngay cả khi không có Amazon, các công ty khác như Wal-Mart, JD hay thậm chí cả các công ty nhỏ khác cũng đang cố gắng sử dụng robot hiệu quả hơn. Nhưng so với tất cả, tham vọng của Amazon là lớn nhất, được xác định là tự động hóa hoàn toàn.

Nhưng tại sao Amazon lại chấp nhất đến như vậy?

Thứ nhất, điều này mang tới hiệu quả sản xuất cao hơn. Lấy hệ thống phân loại của Amazon làm ví dụ. Bạn nên biết rằng sắp xếp bưu kiện là một "nhiệm vụ vật lý" tốn nhiều năng lượng, đòi hỏi nhân công phải nhặt các gói hàng và đi qua đi lại giữa các kệ trong một thời gian dài. Điều này đòi hỏi những nhu cầu nhất định về độ tuổi và tình trạng thể chất của người lao động. Do đó, chỉ một số ít công nhân đủ điều kiện. Bên cạnh đó, không phải ai cũng có thể làm việc hiệu quả. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống hậu cần khổng lồ của Amazon và thậm chí đã có những sự cố trong đó các yêu cầu của công ty vượt quá khả năng làm việc, khiến đội ngũ công nhân phải lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, robot có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, không xin nghỉ phép và cũng chẳng kêu than gì.

Thứ hai, robot tiêu thụ ít tài nguyên hơn. So với con người, robot làm việc theo thiết lập hệ thống và hiếm khi đòi hỏi tiêu thụ thêm các tài nguyên. Ví dụ, trong việc gói hàng, công nhân có thể đặt vật phẩm vào hộp quá to, tốn thêm nhiều vật liệu chống sốc để chèn vào, hoặc đặt một vật lớn vào hộp quá nhỏ, làm vật phẩm bị méo hoặc biến dạng. Còn robot, chúng chọn bao bì theo kích thước khiến cho tình trạng lãng phí tài nguyên giảm mạnh.

Thứ ba, chi phí đầu tư thấp hơn. Như đã đề cập, để có thể đáp ứng nhu cầu hậu cần khổng lồ của Amazon, công nhân luôn phải hoạt động hết công suất, cũng như liên tục cần thuê mới với số lượng lớn. Ngày nay, các công ty phải trả lương công nhân theo giờ, cao hơn khi làm việc ngoài giờ. Số lượng công nhân càng lớn, chi phí việc làm càng cao, trong khi tỷ lệ luân chuyển công việc của người lao động cũng cao trong khi chi phí tuyển dụng và đào tạo không phải con số nhỏ. Còn chi phí ban đầu cho một robot cũng cao, nhưng hiệu quả công việc và thời gian hoạt động của nó lại rất dài. Thậm chí có robot có thể duy trì công việc trong mười năm mà không cần bảo trì thường xuyên. Về trung bình, nó hiệu quả hơn nhiều so với thuê nhân lực.

Vậy vấn đề mọi người quan tâm nhất là việc robot thay thế hoàn toàn con người sẽ thực sự xảy ra sớm hay không?

Câu trả lời là không nhất thiết. Amazon đang để con người và robot cùng làm việc. Robot chịu trách nhiệm xử lý các công việc nặng nhọc, còn công nhân chuyển qua làm các công việc dễ dàng hơn, bởi luôn có những việc mà chúng không thể làm được. Thay vì để nhân viên phải lo lắng về những con robot làm việc xung quanh họ, công ty này đã tìm cách tạo ra những mối quan hệ gần gũi hơn giữa nhân viên và robot, như việc đặt cho chúng những cái tên giống người. Nhưng đó là cái nhìn ở hiện tại, vì không ai biết trong tương lai liệu có xuất hiện những con robot có thể làm được những việc mà con người luôn tưởng rằng chúng không thể hay không.

Nói tóm lại, với xu hướng để robot thay thế công việc của con người, đế chế robot của Amazon không còn quá xa vời và việc hoàn thành nó chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng từ giờ tới lúc đó còn cần tới ít nhất một thập kỷ nữa, với rất nhiều việc phải làm. Có lẽ khi đó, mọi người sẽ có thể sống trong hòa bình với những con robot.

Theo Tri thức trẻ