Lợi thế của "tân binh" Vỏ sò trên chiến trường thương mại điện tử?
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Trung, Viettel Post hoàn toàn có lợi thế chiến lược về độ phủ sóng toàn quốc để có thể phát triển thị phần thương mại điện tử.
Mới đây, "ông lớn" trong lĩnh vực chuyển phát Vietel Post đã lấn sân sang cả mảng thương mại điện tử - chiến trường đang chịu sự canh tranh khắc nghiệt giữa một loạt các tên tuổi lớn như Tiki, Lazada hay Shopee. Trước việc có thêm "tân binh" tham gia "chiến trường" này, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Đình Trung – Chuyên gia kết nối kinh doanh/CEO của Cty Digital Media.
- Ông có bình luận gì về việc Viettel Post vừa ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo vừa ra mắt sàn TMĐT Vỏ sò?
Tôi cho rằng MyGo đáng lẽ ra đời sớm hơn nhưng bây giờ có thể là đây là thời điểm vàng để Viettel ra mắt ứng dụng gọi xe. Như mọi người đã biết Viettel là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và đặc biệt là Viettel Post chuyên vận tải hàng hóa thì việc có thêm một cánh tay là xe ôm công nghệ sẽ thuận tiện hơn cho việc vận tải về hàng hóa ở các vùng miền Việt Nam. Đặc biệt trên 63 tỉnh thành đều có sự xuất hiện của Viettel Post, đây là lợi thế để họ phát triển ứng dụng gọi xe ở các vùng, địa phương.
Vậy thì "miếng bánh" thị trường sẽ thay đổi ra sao? Grab hay Go-viet đa số hoạt động trong các thành phố lớn, các vùng nông thôn tỉnh lẻ chưa có sự xuất hiện, thì lợi thế của Viettel là có cơ sở hạ tầng sẵn có. Với việc có lợi thế về tiềm lực tài chính, MyGo cần đẩy mạnh thêm dịch vụ thì tôi cho rằng Viettel có thể thành công trong mảng xe ôm công nghệ, đặc biệt phát triển ở các vùng miền, huyện, thị xã.
- Thị trường TMĐT đang cạnh tranh hết sức khốc liệt nhất là với việc thua lỗ triền miên của các tên tuổi. Liệu Viettel Post có thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ đó, thưa ông?
Phía Viettel đã có những chiến lược rất rõ ràng khi tung ra sàn thương mại điện tử Vỏ Sò. Tôi thấy một điều rằng ra ứng dụng TMĐT đặc biệt trên mobile đang ngày càng phổ biến. Các trang như Shopee, Sendo, Lazada đã tận dụng được điều này và Viettel cũng không ngoại lệ. Điều quan trọng bây giờ là Viettel cần xây dựng cơ sở hạ tầng tốt trong khi đơn vị này chắc chắn có nguồn vốn tốt để thực hiện.
Thứ hai, về lòng tin. Nếu so sánh với các đối thủ khác họ không có hạ tầng offline, các hệ thống, các cửa hàng ở các tỉnh thì Viettel lại ngược lại, khi có các chi nhánh lan tỏa đến khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Viettel ra mắt hai thương hiệu mới thì "miếng bánh" về thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ sẽ tạo đà cho việc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dẫn đến người dùng là người hưởng lợi, người bán sẽ có nhiều sự lựa chọn tốt hơn.
Bên cạnh đó, về khía cạnh lỗ, thực chất các doanh nghiệp TMĐT đầu tư lớn cho hạ tầng kho bãi, công nghệ, đây là những thứ có tốc độ thu hồi vốn chậm, dẫn đến đây trở thành cuộc đua về sự trường kỳ về vốn. Các doanh nghiệp TMĐT xác định rằng đầu tư sẽ phải chịu lỗ trong khoảng thời gian đầu bù lại nhận được lượng dữ liệu lớn từ khách hàng, khẳng định thương hiệu.
- Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư theo hướng nào để khai thác thị phần "miếng bánh" này tốt hơn?
Nếu như là một doanh nghiệp phát triển đơn thuần về TMĐT không nên phát triển về hạ tầng. Bởi các ông lớn tại Việt Nam đã đủ tiềm lực và họ đã làm rồi vấn đề của chúng ta cần phải hiểu về các ứng dụng đó, để kinh doanh tốt hơn.
Không thể đầu tư một hệ thống platform tương tự như Lazada hay Viettel được mà thay vào đó chúng ta nên ứng dụng phát triển các hàng hóa, các ứng dụng thương mại điện tử và các cổng thanh toán đối với các công ty lớn để thuận tiện trong việc kinh doanh
Lời khuyên của tôi là thay vì phát triển hạ tầng hãy phát triển vào sản phầm, các dịch vụ đi kèm bán hàng và sau bán hàng. Đây là điểm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ VIệt Nam nên tận dụng.
Xin cảm ơn ông!