Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quản lý tiền ảo
Theo một nguồn tin ở Washington của Reuters,16/7 tới đây, dự kiến Facebook sẽ phải điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ (SBC) về đồng tiền điện tử mới Libra.
Facebook sẽ có một phiên điều trần để trình bày về dự án đồng Libra cũng như bất kì cân nhắc về quyền riêng tư dữ liệu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ (SBC) và hiện chưa có công bố thông tin về người quan sát. Theo một nguồn tin ở Washington của Reuters, David Marcus, người giám sát về blockchain của Facebook dự kiến sẽ là người trình bày.
Theo ông Đinh Hồng Sơn – Tổng Giám đốc công ty CP Tài chính Thế hệ mới FinanceX, “Thực ra chúng ta cần hiểu là tiền điện tử là loại tiền phân tán, nó loại bỏ yếu tố trung gian vì vậy không ai làm chủ và chi phối được. Đây cũng là lý do mà không một chính phủ nào muốn cho phép sử dụng rộng rãi đồng tiền này vì nó sẽ rất khó được kiểm soát. Đó cũng là lo sợ của nhiều quốc gia khác”.
Hiện nay trên thế giới, duy nhất có Venezuela đang dùng đồng tiền điện tử riêng là Petro còn lại chưa quốc gia nào cho phép dùng đồng tiền tử thay cho tiền tệ truyền thống.
“Việt Nam vẫn là quốc gia dùng tiền mặt rất nhiều, Trung Quốc đã làm rất tốt chiến lược “Không tiền mặt” trên quốc gia họ. Việc lưu thông tiền số sẽ mang lại nhiều lợi ích về tính tiện dụng nhưng hàm chứa quá nhiều rủi ro cho ngân hàng trung ương để quản lý và điều phối” – ông Sơn cho hay.
Theo quan điểm của ông Sơn tin rằng một ngày không xa tiền điện tử sẽ bùng nổ với vô vàn các ứng dụng và nhà cung cấp khác nhau cho nhiều loại hình dịch vụ phục vụ cuộc sống của hàng tỷ người dân trên toàn cầu.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhấn mạnh lại những cảnh báo của nhiều chuyên gia công nghệ, họ tin rằng bên cạnh nhiều lợi ích tiềm tàng là những mối nguy về sự suy yếu tính cạnh tranh, cùng với đó là những vấn đề về bảo mật dữ liệu nếu các loại tiền kỹ thuật số được đưa vào ứng dụng bên ngoài hệ thống tài chính hiện tại.
Ông Hyun Song Shin, cố vấn kinh tế và là trưởng phòng nghiên cứu tại BIS cho rằng: "Mục tiêu hiện tại nên là làm thế nào để phản ứng trước sự tham gia các công ty công nghệ lớn vào nhóm các dịch vụ tài chính nhằm tận dụng tối đa những lợi ích mà nó mang lại, đồng thời hạn chế những rủi ro tiềm tàng. Hệ thống chính sách công cần phải xây dựng một cách tiếp cận toàn diện dựa trên những quy định về tài chính, chính sách cạnh tranh và quy định về bảo mật dữ liệu".