Vì sao hàng loạt website tại Việt Nam không thể truy cập hoặc lỗi vào tối 2/7?
Tối ngày 2/7 vừa qua hàng loạt website lớn ở Việt Nam đã không thể truy cập nguyên nhân ban đầu được xác định là do Cloudflare gặp trục trặc.
Theo đó, vào thời gian trên, nhiều website và dịch vụ liên quan như Dropbox, BuzzFeed, Discord, Pinterest, Peloton, Feedly, OKCupid, SoundCloud,... không thể truy cập. Ngay cả trang DownDetector, thường được sử dụng để kiểm tra sự gián đoạn dịch vụ web, cũng bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia thì lỗi này xuất phát từ Cloudflare và chính CEO của Cloudflare - Matthew Prince cũng đã xác nhận thông tin này. Ông cho biết họ không bị hacker tấn công và vụ sập mạng là do trục trặc trong quá trình triển khai phần mềm. "Máy chủ bất ngờ bị quá tải khiến cả hệ thống chính và hệ thống dự phòng đều dừng hoạt động đột ngột, ảnh hưởng đến tất cả các dịch vụ. Không có bằng chứng nào cho thấy đây là một cuộc tấn công của các hacker", ông Prince nói.
Vậy Cloudflare là gì mà ảnh hưởng lớn và rộng như vậy?
Cloudflare là một công ty Hoa Kỳ chuyên cung cấp mạng phân phối nội dung, dịch vụ bảo mật Internet và các dịch vụ phân phối máy chủ tên miền, đứng giữa khách truy cập và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ của người dùng Cloudflare, hoạt động như một reverse proxy cho các trang web. Nói một cách dễ hiểu thì thay vì chúng ta truy cập trực vào Website thông qua Máy chủ phân giải tên miền (Domain Name Server) thì sẽ được đi qua DNS trung gian CloudFlare, thực hiện quá trình xem xét và phân tích sau đó mới truy cập vào Website.
Với những tính năng mà nhiều nhà cung cấp DNS không hề có, chính vì thế CloudFlare được rất nhiều Webmaster tin dùng trong việc xây dựng Website. Ngoài chức năng DNS thông thường, CloudFlare còn có các dịch về CDN, tường lửa chống Ddos, Spam, SSL, Forward Domain và nhiều chức năng khác. CloudFlare hiện đặt 165 trung tâm dữ liệu tại 46 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Lợi ích chính của Cloudflare là tăng tốc độ truy cập website, cơ chế là CloudFlare sẽ lưu lại bộ nhớ đệm cache của Website trên hệ thống CDN của họ và phân phối tới người dùng gần nhất. Các dữ liệu tĩnh trên Website như hình ảnh, CSS, Javascript, các tập tin..đều được nén lại và giúp tải trang nhanh hơn.
Một lý do khác khiến nhiều trang web sử dụng dịch vụ của CloudFlare vì tính bảo mật rất cao. CloudFlare giúp chống lại hiệu quả các cuộc tấn công DDos hoặc spam bình luận trên website. Ngoài ra việc thuận tiện và dễ sử dụng quản lý cũng là một đặc điểm khiến CloudFlare được ưu ái trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, để tránh lệ thuộc vào dịch vụ lưu trữ của CloudFlare thì các website và hệ thống lớn cũng nên tự trang bị cho mình server máy chủ riêng để phòng ngừa trường hợp CloudFlare bị gián đoạn lâu ngày.