Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Cần biến yếu thành mạnh

Diễm Ngọc 21/07/2019 04:00

Chuyển đổi số trong DNVVN ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên doanh nghiệp cần “linh hoạt” biến điểm yếu thành điểm mạnh để kịp thay đổi.

Theo một cuộc khảo sát độc lập của công ty nghiên cứu IDC, các DNNVV ở khu vực ASEAN, ngoại trừ Singapore, được xếp vào giai đoạn “thờ ơ với kỹ thuật số”. Giai đoạn này được định nghĩa là khoảng thời gian mà các nỗ lực kỹ thuật số của doanh nghiệp dừng ở mức phản ứng với thay đổi của thị trường nhiều hơn là phát triển theo các phương thức chủ động.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, các DNVVN tại Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào đám mây, an ninh mạng và nâng cấp phần mềm và phần cứng công nghệ thông tin (CNTT) trong bối cảnh đa số họ đã bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần biến điểm yếu thành điểm mạnh

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần biến điểm yếu thành điểm mạnh

Nhận diện thách thức

Chia sẻ với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Giám đốc King Broker cho rằng khi nhắc đến chuyển đổi số là phải nhắc đến dữ liệu, nhắc đến số hóa. Chuyển đổi số hiểu một cách đơn giản là giải pháp đưa các quy trình truyền thống (bắt buộc có sự tham gia của con người hoặc giấy tờ) thành các quy trình tự động không cần hoặc tối giản sự tham gia của con người và giấy tờ.

Chuyển đổi số là xu hướng mà các công ty hàng đầu thế giới đã ứng dụng và thành công vượt bậc. Những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công thường có tốc độ tăng trưởng từ vài chục cho đến vài trăm phần trăm chỉ sau vài năm. Một ví dụ điển hình là thương hiệu Cafe Starbucks từ khủng hoảng trở thành công ty hàng đầu thế giới trong ngành cafe.

Việc tăng trưởng được giải thích một cách logic như sau: Chuyển đổi số dẫn đến chăm sóc khách hàng tốt hơn (Cá nhân hóa và gia tăng trải nghiệm khách hàng) giúp mở rộng tập khách hàng lớn hơn; Giảm chi phí quản lý; Mở rộng ra các mô hình, hệ sinh thái kinh doanh số, kết quả là tăng trưởng và dẫn đầu.

Để triển khai chuyển đổi số sẽ cần phải có thiết bị, nền tảng hạ tầng, có kết nối, có dữ liệu, nhân lực vận hành, và cả công nghệ ứng dụng. “Tuy nhiên tại Việt Nam đó vẫn là thứ gì đó rất trừu tượng với các doanh nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao và có kinh nghiệm thực tế thực sự rất khan hiếm”, ông Tuấn Anh nhận định.

Ngoài ra, một số vấn đề khác như: thiết bị hệ thống, hạ tầng, kết nối, công nghệ chúng ta đều có thể nhập khẩu hoặc chuyển giao tuy nhiên tâm lý của nhiều doanh nghiệp vẫn có rào cản nhất định đối với những cái mới và ngại sự thay đổi khi hệ thống quá lớn. Không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự dám làm một cuộc cách mạng và cải tổ trong tổ chức của mình.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Digital Novaon cho biết “Bài toán chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam khá tương đồng với các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển có những điểm khác so với các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu. Các doanh nghiệp của chúng ta nhỏ hơn, trình độ quản trị yếu hơn và mức độ đầu tư cũng thấp hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không dùng được quá nhiều công cụ, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp ở những nước đã phát triển.

Các chuyên gia khẳng định quá trình chuyển đổi số sẽ không chừa một doanh nghiệp nào. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào và cũng không phải là việc có chuyển đổi hay không, càng không phải là việc đứng ngoài nhìn vào quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp khác mà học hỏi chuyển đổi sau. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi kịp thì sẽ nhanh chóng bị thua, bị loại khỏi cuộc chơi. Có những DN nếu không có phương án chuyển đổi mạnh mẽ thì không biết sẽ đi về đâu và có thể bị xóa sổ.

Biến yếu thành mạnh

Nhu cầu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay là tất yếu, nâng cao khả năng cạnh tranh, phục vụ chăm sóc khách hàng, cá nhân hóa phục vụ riêng… Một ví dụ thành công điển hình là ứng dụng vận chuyển hành khách Grab, GoViet,… Hệ thống chăm sóc khách hàng và phục vụ đặt xe hoàn toàn tự động đã mang nhiều lợi ích cho người dùng với số lượng nhân viên vận hành rất tối ưu. Việc ứng dụng chuyển đổi số là tất yếu trong các doanh nghiệp để cắt giảm chi phí tối thiểu và làm tăng sự hài lòng cho khách hàng.

95% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là DNVVN, các doanh nghiệp không có bề dày, không có nhiều kinh nghiệm, không có nhiều năng lực quản trị, tài chính nhưng nếu ứng dụng chuyển đổi số thành công thì có thể bứt phá và đuổi kịp các doanh nghiệp khác trong khu vực. Các doanh nghiệp với quy mô bé hơn thì tính chất mạo hiểm cao hơn, dấn thân hơn, không ngại thay đổi. Những điểm yếu đó của doanh nghiệp có thể biến thành điểm mạnh trong các cuộc cách mạng như hiện nay.

Từ thực tế doanh nghiệp của mình, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Giám đốc King Broker cũng nêu ra một số giải pháp trong cuộc cách mạng này. Thứ nhất để chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần phải hiểu rõ chuyển đổi số là gì? Cần có những gì để chuyển đổi số? Trước làn sóng mới lạ này rất cần thiết phải có tổ chuyên gia tư vấn cấp quốc gia và hoàn tất bộ tài liệu “Step – by – Step” về chuyển đổi số đó là một điều rất quan trọng.

Thứ hai, Chính phủ và nhà nước cần khuyến khích và ưu tiên đặc biệt cho những doanh nghiệp chuyển đổi số (cho vay đầu tư lãi suất thấp, giảm thuế) để bù đắp khoản chi phí đầu tư thiết bị và hạ tầng bởi khi chuyển đổi số thành công thì họ sẽ đóng nhiều thuế hơn trong tương lai.

Thứ ba, kết nối các chuyên gia và doanh nghiệp chuyển đổi số thành công để nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực về chuyển đổi số.

Thứ tư, nên chuyển đổi số từng phần trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thí điểm trên các doanh nghiệp mũi nhọn sau đó nhân bản và lan rộng các mô hình tương tự cho nhiều doanh nghiệp khác.

Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Minh Quý, các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp là giá phải hợp lý. Các DNNVV Việt Nam không sẵn sàng để chọn các giải pháp triệu USD. Số lượng doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư triệu USD, vài trăm nghìn USD hay vài tỷ đồng cho một giải pháp chuyển đổi số là rất ít, chỉ chiếm khoảng từ 1-3%. Nếu muốn phần lớn các DNNVV Việt Nam, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể ứng dụng triển khai chuyển đổi số thì giá phải rất rẻ.

“Các doanh nghiệp hãy bắt đầu triển khai trước ở những phòng ban sẵn sàng cao và có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, khách hàng của doanh nghiệp. Điển hình như các phòng ban liên quan đến tài chính, marketing, quảng cáo, kinh doanh… mang lại nguồn thu và khách hàng cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bắt đầu triển khai từ các bộ phận này thì các doanh nghiệp sẽ rất dễ chấp nhận. Những bộ phận nào mang tính vĩ mô, chưa ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu ngay thì nên từ từ đầu tư” - ông Quý cho hay.

Diễm Ngọc