Người dùng smartphone làm thế nào để hình ảnh, video nhạy cảm không bị lộ trên mạng
Sau clip nóng rò rỉ trên mạng bị cho là của hot girl Trâm Anh và cô lễ tân tiệm spa, người dùng smartphone cần làm gì để bảo mật hình ảnh và video nhạy cảm?
Mỗi khi nhắc đến những vụ lộ clip làm chấn động làng giải trí thế giới, tôi lại nhớ ngay Paris Hilton và việc video nhạy cảm của cô và bạn trai cũ Rick Salomon bị phát tán lên Internet vào năm 2004. Sau 4 năm, Paris Hilton tiếp tục lên mặt báo khi những thước phim ghi lại cảnh ân ái của cô và cầu thủ bóng chày Doug Reinhardt bị rò rỉ.
Đầu năm 2012, chiếc điện thoại Sidekick II của Paris Hilton bị tin tặc tấn công. Kết quả toàn bộ danh bạ, ghi chú cá nhân và nhiều hình ảnh riêng tư của cô sau đó bị đăng tải rộng rãi trên Internet. Những sự việc này bị người thừa kế tập đoàn danh giá Hilton coi là nỗi nhục trong đời.
Tại Việt Nam năm 2019, dân mạng đã không ít lần “dậy sóng” khi những clip nóng bị cho là của hot girl Trâm Anh hay cô lễ tân ở một cửa hàng spa bị lộ. Sau các sự cố này, không ít người hoang mang và đặt ra câu hỏi làm cách nào để bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách tốt hơn.
Tôi từng nghĩ nếu muốn không bị lộ nội dung nhạy cảm thì tốt nhất không nên chụp ảnh hay quay video nhạy cảm, nhưng điều này bất khả thi. Việc lưu lại những khoảnh khắc mà chúng ta xem là đẹp, có ý nghĩa thì không có gì sai. Bên cạnh đó, nhiều người có sở thích chụp, quay lại những gì diễn ra trong cuộc sống của họ.
Dùng phần mềm “giấu” ảnh và video
Sẽ thật sự rất khó để tránh những trường hợp cho bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là thợ sửa điện thoại động vào chiếc smartphone của mình. Thế nên việc để những hình ảnh, video nhạy cảm vào ứng dụng bảo mật là một cách cần thiết.
Hiện nay có nhiều ứng dụng "giấu" ảnh, video. Ảnh: Jetsisrael. |
Người dùng có thể cài đặt nhiều ứng dụng “giấu” ảnh, video nhạy cảm từ bên thứ 3 như Keep Photos Secret, Private Photo Vault hay Gallery Lock Lite. Đây đều là những phần mềm miễn phí, cho phép lưu giữ hình ảnh, video quan trọng từ người dùng.
Khi muốn xem ảnh, video, bạn phải nhập mã khóa bảo vệ. Sau khi dữ liệu được chuyển vào các ứng dụng này, sự hiện diện của chúng trên smartphone hầu như biến mất.
Không đồng bộ nội dung nhạy cảm lên iCloud, Google Photo
Bạn nên cẩn thận với những tài khoản iCloud hay Gmail vì nếu để cho người khác biết thông tin mật khẩu thì rất dễ bị lộ hình ảnh, video nhạy cảm. Nguyên nhân đến từ việc những tài khoản này thường được người dùng cho phép sao lưu và đồng bộ các thông tin như danh bạ, hình ảnh, video…
Khi nhập tài khoản Gmail hay iCloud trên iPhone bạn nên vào cài đặt, chọn iCloud, tắt My Photo Stream và Photo Sharing. Điều này sẽ giúp người dùng không đồng bộ ảnh lên iCloud.
Bên cạnh đó, nếu smartphone của bạn có sẵn ứng dụng Google Photo, nên chọn tắt sao lưu và đồng bộ hóa. Trong trường hợp ảnh hoặc video đã được tải lên bạn có thể xóa ứng dụng này.
Người dùng nên đặt mật khẩu với độ phức tạp cao thay vì tên và ngày, tháng, năm sinh. Ảnh: Computerworld. |
Người dùng muốn lưu giữ những hình ảnh, video lên iCloud, Google Photo, Google Drive hay thậm chí là Facebook… nên thiết lập đăng nhập bảo mật 2 lớp. Theo đó, mỗi lần đăng nhập tài khoản lên thiết bị khác, người dùng cần thêm mã OTP gửi về điện thoại, để tăng mức độ an toàn.
Ngoài điện thoại, một số người dùng còn lưu giữ những hình ảnh, video nhạy cảm của mình lên máy tính để làm kỉ niệm hoặc tránh mất mát. Khi chép ra máy tính, bạn nên cẩn thận đặt password (mật khẩu) cho thư mục lưu trữ và máy tính.
Có thể bạn quan tâm
"Tuyệt chiêu" lái xe an toàn qua đoạn đường ngập nước
17:05, 25/07/2019
So kè dàn siêu xe của thiếu gia Phan Thành và Cường Đô la: Ai ‘chất’ hơn?
13:47, 25/07/2019
Những ông lớn công nghệ nhận lương cả năm không đủ mua một bát phở
10:40, 24/07/2019
Chán siêu xe, các tỷ phú công nghệ 'chạy đua' máy bay cá nhân
20:30, 23/07/2019
Cảnh giác khi mang smartphone đi sửa chữa
Thợ sửa điện thoại thường hỏi mật khẩu khi tiếp nhận máy của khách hàng. Mật khẩu dùng cho các bước kiểm tra máy và cũng tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin nhạy cảm. Để tự bảo vệ trước tình huống đưa mật khẩu "bất đắc dĩ" cho thợ sửa điện thoại, người dùng nên thực hiện các bước sau.
Thứ nhất, hãy lưu trữ những dữ liệu quan trọng trước khi sửa. Ngoại trừ trường hợp máy không thể hoạt động thì đây là cách tốt nhất để người dùng tránh lộ, lọt, mất dữ liệu khi sửa điện thoại.
Thứ hai, sửa chữa điện thoại tại các cửa hàng uy tín. Hãy lựa chọn cửa hàng điện thoại uy tín, lâu đời, có địa chỉ, trụ sở rõ ràng giúp người dùng yên tâm phần nào khi cung cấp mật khẩu cho thợ.
Người dùng nên lưu trữ dữ liệu quan trọng trước khi đi sửa smartphone. Ảnh: iTouch Repair. |
Thứ ba, yêu cầu cung cấp thông tin của người giữ mật khẩu. Người dùng cần biết chính xác ai đang giữ mật khẩu của mình bằng cách hỏi chủ cửa hàng hoặc xem thẻ tên nhân viên. Việc làm này giúp người thợ nếu muốn "táy máy chân tay” cũng phải chùn bước khi khách đã nắm giữ thông tin của họ.
Và cuối cùng, hãy đổi mật khẩu sau khi sửa chữa. Đây là nguyên tắc bảo mật bất di bất dịch khi đưa tài khoản và mật khẩu cho người lạ. Có thể với điện thoại, người dùng không cần đổi mật khẩu nhưng với iCloud và tài khoản Google, đây là điều bắt buộc.
"Hiện nay các dịch vụ như iCloud, Google Drive... có thể tự động đẩy dữ liệu từ thiết bị cá nhân lên máy chủ trực tuyến, qua tính năng đồng bộ hóa. Khi chụp ảnh, quay video nhạy cảm, khả năng bị rò rỉ sẽ khá cao. Thế nên, những chuyện như chụp ảnh hay quay clip nhạy cảm không muốn người khác biết thì không nên làm”, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tại TP.HCM khuyên.
Chuyên gia này cho biết trường hợp dữ liệu nhạy cảm bị phát tán trên mạng, thì cần phải liên hệ quản trị viên của diễn đàn, website để nhờ hạ thông tin xuống, sau đó báo với cơ quan chức năng, tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.