“Siêu Uỷ ban” số hóa công tác quản lý, điều hành như thế nào?

Bảo Lam 09/08/2019 23:10

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban) sẽ phối hợp với VNPT xây dựng và triển khai Trục liên thông văn bản điện tử giữa Uỷ ban và các doanh nghiệp.

Thông tin này vừa được bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết tại buổi hội thảo Số hóa quản lý, điều hành và xây dựng trục liên thông văn bản điện tử theo mô hình Chính phủ điện tử, diễn ra chiều 9/8.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo

Chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Đặc biệt đến nay, Chính phủ đã chính thức đưa vào vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia với mục tiêu hướng đến một nền hành chính không giấy tờ, từng bước số hóa các hoạt động quản lý hành chính và xây dựng nền kinh tế số.

Nhận thức rõ yêu cầu này, trong thời gian qua, "Siêu Uỷ ban" đã đặc biệt chú trọng đến ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành. Dù mới thành lập, song đi đôi với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp nhận chuyển giao vốn tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, thì công tác ứng dụng công nghệ thông tin được Uỷ ban đặc biệt quan tâm với mục tiêu rõ ràng là từng bước cắt giảm văn bản giấy, giảm thời gian gửi, nhận văn bản, xóa bỏ tình trạng “cơ quan cách nhau vài trăm mét nhưng văn bản gửi cả tuần chưa tới nơi”.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: “Chúng tôi đang từng bước triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ quản trị nội bộ và hoạt động nghiệp vụ; các phần mềm về Bộ chỉ số và Cổng thông tin điện tử nhằm tạo ra sự kết nối, tương tác giữa Uỷ ban với các doanh nghiệp và người dân".

Thông tin thêm về việc này, bà Hà cho biết, phần mềm Bộ chỉ số đã thể hiện sự minh bạch trong thông tin 2 chiều và hỗ trợ nghiệp vụ giám sát, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp, thể hiện cách làm mới và tạo sự gắn kết giữa Uỷ ban và các doanh nghiệp.

Bộ chỉ số chia làm 4 nhóm ngành hàng quản lý đến từng doanh nghiệp với mục tiêu giám sát hoạt động và kết nối trực tiếp để nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình nhân sự, tổng vốn, chi tiêu, các rủi ro về tài chính, quản trị (khả năng trả nợ, khả năng thanh toán...), ngân sách tiền lương, năng suất lao động... mà không cần đợi báo cáo từ các doanh nghiệp.

Các chỉ số đều có ngưỡng cảnh báo, khi có biến động vượt các ngưỡng an toàn, phần mềm sẽ tự động cảnh báo để Ủy ban chỉ đạo rà soát, báo cáo đầy đủ và kịp thời với Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Tô Dũng Thái - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT

Ông Tô Dũng Thái - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT

Tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch "Siêu Uỷ ban" cũng cho biết, Uỷ ban sẽ phối hợp với VNPT xây dựng và triển khai Trục liên thông văn bản điện tử giữa Uỷ ban và các doanh nghiệp theo đúng nội dung chỉ đạo của Chính phủ.

Là đơn vị đồng hành triển khai Trục liên thông văn bản điện tử giữa Siêu Uỷ ban và các doanh nghiệp, ông Tô Dũng Thái – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – cho biết, với kinh nghiệm đã triển khai cho Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Tiền Giang,… VNPT cam kết sẽ ưu tiên hỗ trợ tư vấn, triển khai hạ tầng, phần mềm, xây dựng phương án vận hành tại "Siêu Uỷ ban" và 19 Tập đoàn, Tổng công ty.

Trục liên thông văn bản quốc gia là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế sốhướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Hiện nay, đã có 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan Nhà nước.

“Đây là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối cơ quan nhà nước với người dân, tối ưu hóa hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động” – ông Thái khẳng định.

Bảo Lam