Cách chạm cảm xúc thế hệ Z

Nguyễn Long 27/08/2019 12:26

Nhờ smartphone, thế hệ Z (thế hệ sinh ra từ năm 1994 trở về sau) đã có thể sống gần như đồng thời ở hai thế giới “thật” và “ảo”.

Để có thể thu hút thế hệ Z, ngoài thương hiệu, sản phẩm tốt, doanh nghiệp còn phải tìm được hướng tiếp cận độc - lạ bắt theo trend.

Tính đến quý 2/2019, Việt Nam có hơn 51 triệu người dùng thiết bị di động để truy cập các mạng xã hội, giải trí, chơi trò chơi điện tử mỗi ngày. Trung bình số giờ xem livestream chơi game mỗi ngày tại Việt Nam là 402.000 giờ, thời lượng xem đến từ thiết bị di động chiếm 61%. Đáng chú ý, người dùng thế hệ Z đang chiếm phần lớn thời gian xem livestream nói trên.

Thế hệ "mê" công nghệ số

Thế hệ Z là thế thế hệ sinh ra từ năm 1994 trở về sau, họ là các bạn trẻ lớn lên cùng với những chiếc smartphone. Thế hệ Z còn được biết đến với tên gọi là thế hệ “iGen” luôn luôn kết nối với thế giới qua các thiết bị số.

Theo ông Nguyễn Đình Toàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách marketing của Suntory PepsiCo Vietnam, thế hệ Z chính là đối tượng tiêu dùng đông đảo nhất trong 10 năm tới. Ước tính ở Việt Nam đến năm 2025 có hơn 20 triệu công dân thuộc thế hệ này, tăng 26% so với năm 2015. Đó là lý do Pepsi ngay từ bây giờ đã tập trung vào thế hệ Z càng nhiều càng tốt. “Hành vi của thế hệ này ngày càng khác, khoảng cách giữa thế giới ảo và thật đối với họ không còn nữa. Họ sẽ thật sự trở thành những công dân toàn cầu. Mục đích mua một sản phẩm
của thế hệ này không đơn thuần chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân, mà là một phần giúp thay đổi thế giới này”, ông Toàn nhấn mạnh.

Như vậy có thể thấy rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nghiên cứu để hiểu rõ thế hệ Z quan tâm đến điều gì, sở thích của họ, mục tiêu của họ, từ đó, cung cấp trải nghiệm khách hàng hấp dẫn họ.

Tương tác qua mạng xã hội

Trong báo cáo về thị trường “Việt Nam Mobile Marketing và Game 2019” của Appota Group, trong những năm tới, mạng xã hội sẽ luôn thống lĩnh thị trường quảng cáo số Việt Nam với 45 triệu người dùng trên nhiều nền tảng khác nhau như Facebook, Zalo, Instagram… Điều này là hợp lý bởi ngay từ một nghiên cứu năm 2014, khi tìm kiếm thông tin về một sản phẩm mới, 81% số người thuộc thế hệ Z sử dụng mạng xã hội. Họ cũng tương tác với các nhãn hàng thông qua mạng xã hội và kết nối với những khách hàng khác.

Nếu như không tận dụng triệt để tính tương tác thời gian thực của mạng xã hội, thì các nhãn hàng đang lãng phí một kênh tiếp cận hiệu quả đối với những khách hàng thế hệ Z.

Tiếp cận ứng dụng qua smartphone

Thế hệ Z hiếm khi rời mắt khỏi chiếc điện thoại thông minh của mình, và họ đưa ra quyết định dựa vào chúng hầu như mỗi ngày. Cũng theo báo của Appota Group, Việt Nam là quốc gia có độ kiên nhẫn xem quảng cáo lâu nhất thế giới với 19s, trong khi thời gian trung bình của các quốc gia khác chỉ đạt từ 8 - 9s.

Người dùng luôn sẵn sàng xem quảng cáo video ngắn để nhận được phần thưởng trong ứng dụng hoặc trò chơi. Đây là cơ hội lớn để các nhà quảng cáo nắm lấy nhưng cần cân nhắc trong việc tìm hiểu kỹ hành vi của người xem.

Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thiết bị di động đã tạo nền tảng vững chắc cho thị trường quảng cáo và ứng dụng trên nền tảng di động tại Việt Nam.

Các ứng dụng điện thoại đang tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng về các nguồn thông tin xoay quanh sản phẩm, dịch vụ và giáo dục cho các khách hàng tiềm năng thế hệ Z. Sẽ là một sai lầm nếu các thương hiệu bỏ lỡ cơ hội tận dụng mảnh đất màu mỡ này.

"Bắt" trend

Đây không phải là chiến lược có thể áp dụng thường xuyên và luôn đem lại lợi nhuận lập tức cho doanh nghiệp. Việc xây dựng chiến lược marketing theo trend đòi hỏi đội ngũ marketing phải nắm bắt được những xu hướng đang thu hút sự quan tâm của thế hệ Z. Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng trend phải kể đến là Durex. Đội ngũ marketing của Durex đã rất khéo léo khi bán bao cao su nhưng không hề đề cập đến “chuyện phòng the”.

Họ nâng cao yếu tố cảm xúc bằng cách đưa các hình ảnh ẩn dụ về tình dục vào giao tiếp. Với một thương hiệu luôn tự hào về sự sáng tạo, Durex đã xây dựng một đế chế truyền thông xã hội dựa trên sự khéo léo không giống ai.

Sử dụng trend đang thịnh hành, Durex đã tung ra những hình ảnh quảng bá kết hợp giữa lối chơi chữ, sự hài hước và những hình ảnh bắt mắt đầy tính ẩn dụ trên trang Facebook. Những hình ảnh này không làm người xem nghĩ ngay tới “chuyện phòng the”, mà là những tiếng cười, sự thích thú, dẫn đến hành vi like, share, từ đó tạo ra sự lan tỏa.

Theo khảo sát của YouNet Media, tài chính là chủ đề đứng thứ 6 trong tổng các chủ đề thảo luận của 20.000 người dùng thế hệ Z.

Theo khảo sát của YouNet Media, tài chính là chủ đề đứng thứ 6 trong tổng các chủ đề thảo luận của 20.000 người dùng thế hệ Z.

Cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng

Không cần phải đợi đến 5-10 năm nữa, mà ngay lúc này, những gì người tiêu dùng muốn đó là mọi thứ xung quanh phải được vận hành theo cách của riêng họ. Đó chính là nhu cầu cá nhân hóa mọi trải nghiệm khách hàng.

Người tiêu dùng không muốn chỉ biết ngồi chờ đợi thương hiệu làm điều gì đó cho họ mà đều muốn những giải pháp tức thì. Và giải pháp đó phải dành riêng và phục vụ riêng cho cá nhân họ mà thôi.

Các khách hàng thuộc thế hệ Z ưa thích cách giao tiếp mang tính cá nhân. Họ muốn các nhãn hàng coi mình là một cá thể riêng biệt, thay vì chỉ là một cái tên trong danh sách khách hàng. Vì vậy, những email chào hàng chung chung như “Kính gửi khách hàng/anh/chị” ngay lập tức gây mất thiện cảm.

Vậy làm sao để tiếp cận họ một cách cá nhân và hiệu quả? Những khách hàng thế hệ này có thói quen chia sẻ mọi thứ trên mạng và đây là thông tin mà các doanh nghiệp có thể khai thác.

Hãy nghĩ tới những dữ liệu thông tin mà họ chia sẻ trên mạng xã hội từ các mối quan tâm, sở thích cho đến âm nhạc, thể thao... Hãy tận dụng triệt để những “mỏ vàng” thông tin này để có thể chạm đến trái tim
nhóm người tiêu dùng thuộc thế hệ này.

Nguyễn Long