"Tôi đồng ý với điều khoản và điều kiện": Sự dối trá lớn nhất của công nghệ

Theo ictnews 29/08/2019 09:36

Internet hiện nay được xem là một môi trường mở, nhiều phức tạp và cạm bẫy.

Hầu hết người dùng thường không để tâm nhiều đến từ khóa Youtube, và đó là lỗ hổng để trẻ em dễ dàng bị lừa xem các nội dung bạo lực hoặc người lớn mà không có sự đề phòng. Đa số chúng ta vẫn chưa nhận thức được dữ liệu thông tin cá nhân của mình – thứ mà các ông lớn công nghệ đang thu thập – quý giá đến đâu.

Thao túng từ khóa để lợi dụng các kênh trẻ em, hay thu thập dữ liệu thông tin cá người dùng đều là các hành động bất hợp pháp, nhưng tại sao đến giờ này vẫn còn xảy ra? Bởi, tất cả chúng ta đều đã luôn bỏ qua một thứ quan trọng: "Điều kiện và điều khoản". Chúng ta đã ngay lập tức nhấn đồng ý, không hề có một chút đắn đo hay suy nghĩ. Mà cũng không có sự lựa chọn nào khác bởi vì nếu không đồng ý thì bạn không được sử dụng nó.

Hiện nay có một số dịch vụ được tạo ra nhằm giải quyết các vấn đề này. Jumbo cho phép người dùng tái kiểm soát cài đặt quyền riêng tư của họ. DoNotPay giúp xử lý vấn đề về pháp lý nhanh chóng và cung cấp các thẻ thanh toán ảo để người dùng không cần phải sử dụng thẻ tín dụng thật để đăng ký các chương trình dùng thử miễn phí. Và Term of Services; Didn't Read hỗ trợ giải thích điều kiện và điều khoản của một số trang web lớn trên Internet.

Các công cụ trên sử dụng khá dễ dàng và thuận tiện, tuy nhiên chúng ta cũng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào chúng để xử lý các vấn đề kỹ thuật mà có thể dễ dàng thay đổi bởi Twitter, Facebook, Google với đội ngũ kỹ sư và lập trình tài năng của họ.

Hãy kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình

Ứng dụng Jumbo hiện miễn phí trên nền tảng iOS có khả năng kiểm tra tất cả các quyền mà bạn đã cấp cho Amazon, Facebook, Google hay Twitter và cung cấp tùy chọn hủy cấp quyền hay xóa các dữ liệu mà các ông lớn công nghệ trên đã thu thập được.

Cụ thể, ứng dụng Jumbo đã thử nghiệm kiểm tra tài khoản Google của một người dùng và phát hiện rằng Google Chrome đã âm thầm ghi nhớ 11 trang web người dùng truy cập và Google Maps lưu trữ 98 hoạt động gần đây nhất của họ. Đồng thời Jumbo cũng mô tả cụ thể cho chúng ta biết Google sẽ làm gì với các thông tin này: công ty theo dõi vị trí của chúng ta nhằm hiển thị các quảng cáo một cách hiệu quả và phù hợp nhất, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho họ từ các nhà quảng cáo.

Jumbo có thể là một ứng dụng thật sự tốt, tuy nhiên một số người cảnh báo rằng nếu bạn không trả tiền cho một sản phẩm, thì bạn chính là sản phẩm. Đáp lại điều này, CEO Jumbo cho rằng người dùng không cần quá lo lắng, bởi công ty sẽ biến công nghệ của họ thành một nguồn mở để chứng minh rằng họ hoàn toàn không có mục đích xấu với mọi người.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ truy cập vào dữ liệu của bạn. Công ty không có bất kỳ server nào xử lý hay lưu trữ thông tin của người dùng. Tất cả quá trình xử lý và kiểm tra đều hoạt động trên điện thoại của bạn", vị CEO này cho biết.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn nghi ngờ tính bảo mật của Jumbo, thì có thể chỉnh sửa lại quyền riêng tư của mình một cách thủ công, mặc dù nó có phần hơi phức tạp. Đối với ứng dụng Facebook, bạn cần phải thường xuyên thay đổi giữa các menu để quản lý quyền riêng tư với những bài đăng của mình, bao gồm thiết lập về những gì Facebook biết về bạn, cùng với những dữ liệu theo dõi mà Facebook đang nắm giữ. Với Google, việc quản lý quyền riêng tư là một công việc cực kỳ phức tạp khi hệ sinh thái ứng dụng của ông lớn tìm kiếm vô cùng rộng, như Maps, Search và công cụ trợ lý ảo.

Với các quy trình phức tạp như vậy, trong khi chúng ta lại bận rộn và không có quá nhiều thời gian, thì hãy suy nghĩ lại Jumbo, bởi chúng có thể bao quát mọi thứ và giúp bạn kiểm soát hoàn toàn các thông tin cá nhân của mình chỉ với một hoặc hai lần nhấn.

Về phía Jumbo, mục tiêu phát triển của công ty sẽ có thể khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai. CEO Jumbo cho biết Facbook, Twitter hay các tập đoàn dịch vụ giải trí khác mà ứng dụng đang tương tác sẽ có các hành động pháp lý chống lại Jumbo. Nhà điều hành và hội luật sư của công ty sẽ không thực hiện các hành động đề phòng, tuy nhiên tỏ ra mối quan ngại nếu đối đầu với các ông lớn công nghệ trong tương lai.

"Chúng tôi khuyến nghị người dùng nên chặn quảng cáo vì sự an toàn, và họ đã làm theo. Tất nhiên điều này sẽ khiến Facebook, dưới góc độ kinh doanh, trở nên ít giá trị đối với các nhà quảng cáo. Và khi Jumbo được cài đặt ngày một nhiều hơn trên điện thoại khách hàng, thì họ có thể coi đây là rủi ro kinh doanh – rằng chúng tôi đang góp phần làm giảm lợi nhuận mà họ có thể tạo ra từ dữ liệu của người dùng", vị CEO cho biết.

Khi "dùng thử miễn phí" thật sự được miễn phí

Xa lạ với Việt Nam, tuy nhiên DoNotPay lại là một cái tên khá phổ biến tại Mỹ. Đây là một ứng dụng luật sư ảo hỗ trợ các vấn đề liên quan đến pháp lý hoàn toàn miễn phí, thay vì thuê luật sư riêng với mức giá đắt đỏ. Và vừa mới đây họ lại phát triển một tính năng mới cho phép khách hàng sử dụng thẻ thanh toán ảo để dùng thử các chương trình miễn phí.

Một cuộc thăm dò vào năm 2017 cho biết 35% người Mỹ đã vô tình thiết lập một tài khoản đăng ký dùng thử sản phẩm và ứng dụng online, sau đó các ứng dụng chuyển sang tính phí theo kỳ hạn một cách tự động, 42% người dùng trong số đó phàn nàn về việc khó khăn trong việc tắt các khoản thanh toán liên tục như vậy. Tuy nhiên, với DoNotPay, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách dễ dàng. Ứng dụng sẽ tạo ra một tên giả và địa chỉ email được liên kết với thẻ visa ảo, cho phép DoNotPay "hoạt động như một trung tâm thanh toán trung gian cho khách hàng" , đăng ký dùng thử miễn phí với thẻ visa ảo và tự động hủy thanh toán sau khi thời gian dùng thử miễn phí kết thúc – với điều kiện các thanh toán ban đầu không liên quan đến chi trả bằng tiền.

Đây thực sự là một ứng dụng cực kỳ hữu ích tại Việt Nam, khi đa phần người dùng hiện nay không có nhiều điều kiện tạo thẻ Visa nhưng vẫn có thể đăng ký sử dụng các chương trình dùng thử miễn phí của nước ngoài mà không cần tốn quá nhiều công sức. Tuy nhiên, DoNotPay hiện nay vẫn chưa khả dụng trên Appstore Việt Nam, người dùng muốn sử dụng ứng dụng này phải thay đổi khu vực mới có thể cài đặt được.

Giải mã "ma trận" pháp lý

Thật sự mà nói, chúng ta hoàn toàn không có thời gian để có thể đọc hết tất cả các điều khoản pháp lý trực tuyến mỗi khi đăng ký sử dụng một ứng dụng hay nền tảng xã hội nào đó. Dữ liệu thu thập vào năm 2012 cho biết sẽ mất trung bình khoảng 25 – 70 ngày để một người có thể đọc hiểu toàn bộ các chính sách quyền riêng tư của mỗi trang web mà họ truy cập thường xuyên.

Và đây là lý do tại sao những dự án như Term of Service;Didn't Read (ToS;DR) ra đời. Được duy trì bởi một mạng lưới tình nguyện viên hoạt động như Wikipedia về các điều khoản và thỏa thuận dịch vụ, ToS;DR sẽ chuyển các tài liệu pháp lý phức tạp thành một danh sách với các gạch đầu dòng, phân loại từ A đến F, giúp người dùng kiểm tra chúng một cách nhanh chóng, và thuận tiện hơn khi có thể sử dụng với công cụ mở rộng được tích hợp ngay trên trình duyệt.

Cần phải lưu ý, ToS;DR không phải là nguồn dữ liệu hợp pháp. Không có sự hỗ trợ của AI, dẫn đến tình trạng xảy ra sai sót do bởi yếu tố con người. Tuy nhiên người đứng đầu ToS;DR cho rằng những lợi ích mà nó mang lại vượt xa các khuyết điểm kể trên."Bạn có thể so sánh cách làm của chúng tôi với WikiTravel, cung cấp các lời khuyên trực tiếp từ những khách du lịch khác thay vì một nhân viên hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp. Hay OpenStreetMap thay vì GoogleMaps", Michiel de Jong, đồng sáng lập ToS;DR chia sẻ.

"Đôi lúc, một vài dữ liệu có thể đã lỗi thời hoặc không chính xác, tuy nhiên mọi người hoàn toàn có quyền truy cập và chủ động sửa lại thông tin." Michiel cho biết thêm

DoS;TR có rất nhiều điều cần phải làm lúc này, kể từ khi các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư bỗng nhiên trở thành chủ đề quan tâm của nhiều người trong vòng 3 năm trở lại đây, sau các vụ bê bối thông tin bị vạch trần gây chấn động dư luận, từ Endward Snowden, Cambridge Analytica cho đến GDPR. Giờ đây, mọi người đang dần quan tâm đến quyền riêng tư của mình và chủ đề này đang nóng hơn bao giờ hết.

Thị trường tiềm năng từ những "sai lầm"

Phát ngôn viên của Facebook đã từng nói rằng công ty "luôn cố gắng" cung cấp cho mọi người một cách rõ ràng hơn về cách mà những thông tin của họ được sử dụng trên Facebook và làm cách nào người dùng có thể kiểm soát chúng.

"Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã và đang làm cho các chính sách trở nên rõ ràng hơn, những cài đặt quyền riêng tư của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng tìm kiếm hơn và giới thiệu các công cụ mới hỗ trợ truy cập, tải, và xóa các thông tin của người dùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hướng đi mới để mang lại một sự minh bạch và có thể kiểm soát quyền riêng tư của người dùng trên Facebook.", phát ngôn viên cho biết.

Tuy nhiên, khi nhiều công ty cung cấp các dịch vụ đăng ký trên internet, thì những người dùng không có nhiều hiểu biết về pháp lý có nhiều khả năng bị cuốn vào các hợp đồng mà họ không hiểu rõ.

"Tôi đồng ý với điều khoản và điều kiện" là một trong những thứ dối trá nhất trong thế giới công nghệ, và điều này cần phải thay đổi. Mặc dù chúng ta có thể phần nào tin vào sự minh bạch của các ông lớn thung lũng Silicon, tuy nhiên cần phải hiểu rõ rằng điều này sẽ không mang lại lợi ích cho Facebook hay Google, khi họ làm cho các thiết lập quyền riêng tư trở nên dễ hiểu hơn, trong khi dữ liệu cá nhân của chúng ta chính là nguồn lợi nhuận lớn nhất mà các ông lớn công nghệ kiếm được hàng năm.

Jumbo, DoNotPay hay ToS;TR là một số giải pháp có ích ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên không nên có một thị trường cho các ứng dụng thiết lập lại quyền riêng tư hay dịch các điều khoản và điều kiện mà chính bạn đã ngay lập tức đồng ý mà không một chút do dự. Và nếu những công ty nhỏ không có nhiều lợi nhuận vẫn có thể bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thì tại sao những tập đoàn lớn lại không thể?

Theo ictnews