Trung Quốc tham vọng gì sau tiền điện tử?

Nguyễn Long - Diễm Ngọc 06/09/2019 02:03

Dự kiến sau ngày 11/11 tới đây Trung Quốc sẽ phát hành đồng tiền điện tử của nước mình, liệu điều này sẽ tác động ra sao tới nền tài chính toàn cầu?

PV báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thưa ông, việc phát hành tiền điện tử của Trung Quốc sẽ  tác động thế nào đến tài chính toàn cầu?

Sau Venezuela, Trung Quốc là quốc gia thứ 2 có thể cho ra mắt đồng tiền điện tử Quốc gia. Việc nghiên cứu đồng tiền ảo này (M0) đã bắt đầu từ 5 năm trước và sau khi có tuyên bố từ Facebook về việc cho ra đời đồng Libra thì động lực để Trung Quốc tiến hành thử nghiệm đồng tiền ảo quốc gia lại càng lớn.

ông Đinh Hồng Sơn - Tổng giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX

Ông Đinh Hồng Sơn - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tài chính Thế hệ mới FinanceX

Với việc sử dụng đồng tiền điện tử này thì Trung Quốc sẽ thực sự trở thành một thế lực tiền điện tử mới, là nền kinh tế lớn thứ 2 sử dụng đồng tiền điện tử quốc gia. Nếu đánh giá sự tác động của đồng tiền này đến tài chính toàn cầu thì cần chia ra các trường hợp:

Một là, Trung Quốc dùng M0 như đồng tiền chính thay thế tiền truyền thống (Nhân dân tệ), khi đó thì thực sự Trung Quốc sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về tiền số trên thế giới. Nó sẽ khiến hầu hết các dịch vụ, các phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa đều hướng về tiền điện tử. Đồng thời, làm tăng sự tác động và hiện diện của tiền điện tử trên thế giới và vô hình chung những loại tiền như Bitcoin, ETH… càng phổ biến và được biết đến nhiều hơn.

Việc này cũng hoàn toàn tạo ra nguy cơ khó lường cho nền tài chính toàn cầu khi đồng Nhân dân tệ không được trọng dụng nhiều tuy nhiên tôi nghĩ trường hợp này khó xảy ra vì gần như chắc chắn trong ngắn hạn Trung Quốc sẽ không thể đưa M0 thành đồng tiền chính phục vụ quốc gia và làm phương tiện trao đổi với các nước khác.

Hai là, Trung Quốc thí điểm M0 như một phương thức thanh toán dùng để trao đổi, mua bán hàng hóa trong khi Nhân dân tệ vẫn là đồng tiền và phương thức chính của chính phủ và dưới sự điều tiết của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Đây cũng có thể là cách thức hoạt động có phần nào đó sẽ xảy ra với Libra vì có lẽ Libra sẽ được đặt trong tầm kiểm soát của cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Nếu kịch bản như trường hợp này thì có thể nói Trung Quốc đang âm thầm xây dựng một quốc gia số với kịch bản ban đầu là giảm dần dùng tiền mặt bằng việc ứng dụng các công nghệ như Ví điện tử, thanh toán bằng QR tại mọi lúc mọi nơi mọi loại hình dịch vụ...và sau đó là đưa tiền điện tử vào sử dụng dưới sự bảo trợ của ngân hàng trung ương.

Việc này thực tế cũng sẽ ít nhiều tác động đến thị trường tài chính toàn cầu như Forex, thị trường chứng khoán truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới. Còn đối với thế giới tiền ảo thì là sự bùng nổ của các ứng dụng Blockchain, DApps (Decentralized Applications) nhằm phục vụ cho hệ sinh thái tiền điện tử này chắc chắn sẽ diễn ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Facebook với tham vọng tạo hệ sinh thái tiền điện tử

    00:24, 20/06/2019

  • Việt Nam chưa công nhận tiền điện tử là điều dễ hiểu!

    04:19, 09/08/2018

  • Nhà đầu tư tiền điện tử chịu thiệt khi chưa có hành lang pháp lý

    06:12, 05/08/2018

  • Google cấm các ứng dụng khai thác tiền điện tử trên Play Store

    11:00, 30/07/2018

  • NHNN: Tiền ảo không phải là tiền điện tử

    14:02, 07/06/2018

- Theo ông, mục đích đằng sau của Trung Quốc với đồng M0 là gì?

Về mục đích của việc ra đời đồng tiền này thì như tôi phân tích nó nhắm vào các điểm chính:

Kiểm soát nền tài chính quốc gia, cân bằng chính sách tiền tệ với đồng Nhân dân tệ. Điều này là cần thiết vì Trung Quốc đang quá lớn với lượng dân số đứng đầu thế giới cũng như hệ thống tài chính, ngoại tệ khổng lồ đang dần phình to trong quốc gia này.

Tạo ra tiền điện tử mới để là đối trọng với Hoa Kỳ sau khi Facebook và 28 công ty lớn trên toàn cầu hợp tác ra đời đồng tiền Libra và thực tế là phục vụ cho lợi ích của các công ty lớn tại Mỹ. Việc tạo ra đồng tiền ảo quốc gia sẽ giúp TRUNG QUỐC hút thêm các nguồn vốn về nước mình, ngăn cản dòng vốn chỉ chảy về các nước tư bản khác.

- Liệu tiền điện tử của Trung Quốc có khả thi không? Tiềm ẩn nguy cơ nào từ đồng tiền này, thưa ông?

Xét về tính khả thi của đồng tiền này (M0) thì cần nhìn nhận trên 02 khía cạnh: Khả thi về mặt công nghệ và khả thi về mặt ứng dụng tiền tệ cho nền tài chính quốc gia.

Về mặt công nghệ thì gần như chắc chắn thực hiện được, Trung Quốc không chỉ xây dựng đồng tiền này trên nền tảng Blockchain thuần túy mà đã thêm vào một số đặc điểm khác nhằm tăng tính kiểm soát với đồng tiền này, tốc độ xử lý 300.000 giao dịch /giây cũng là một nét khác biệt mà nó đem lại cho người dùng.

Về mặt ứng dụng thì cần phải biết rằng, để một đồng tiền ảo được triển khai tại một quốc gia lớn như Trung Quốc là một điều không dễ dàng trong bối cảnh địa lý quá lớn, quá nhiều lớp đối tượng khác nhau, việc dùng và ứng dụng nó là thách thức không hề nhỏ.

Một lợi thế lớn của quốc gia tỷ dân này là người dân đã quen dần với việc không dùng tiền mặt mà thay vào đó là các ứng dụng tiền số như ví điện tử, QR code... Cá nhân tôi nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ khó đưa tiền điện tử vào trong thời gian ngắn mà họ sẽ triển khai dần dần, thí điểm ở một vài khu vực, lĩnh vực rồi sau đó mới thực sự ứng dụng cho toàn quốc.

Nếu tiền ảo quốc gia Trung Quốc chính thức ra đời, chắc chắn nó sẽ có nhiều nguy cơ hệ lụy đằng sau như tiền ảo có cấu trúc là ẩn danh vì vậy các giao dịch sẽ là ẩn danh giữa các địa chỉ ví vô nghĩa với người đọc. Nguy cơ về lừa đảo, các dịch vụ ẩn danh, rửa tiền có thể sẽ nhiều lên nếu chính sách quản lý không cụ thể và bám sát.

Việc ra mắt đồng tiền này cũng có thể làm giá Bitcoin và một số coin top giảm xuống như ETH, LTC, BCH... tuy nhiên thị trường crypto có thể sẽ tốt lên và phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng coin và dApps.

- Vậy theo ông, Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì và phải ứng xử thế nào trong bối cảnh các quốc gia khác đang có ý định cho ra đời tiền điện tử riêng?

Người Việt Nam rất thông mình và nhận thức nhanh, cộng đồng Blockchain và Crypto tại Việt Nam không hề nhỏ, lượng tiền ảo đổ vào và chảy ra khỏi Việt Nam là rất lớn, chúng ta bị ảnh hưởng nhiều từ các xu hướng công nghệ, phương thức trao đổi, thanh toán trên thế giới do tính giao lưu hội nhập ngày một cao.

Trên thực tế thì không nhiều nước có đồng tiền điện tử cho quốc gia ngoại trừ Venezuela như hiện nay. Tại Việt Nam chính phủ cũng đã vào cuộc và có nhiều tham vấn, nghiên cứu để ra được khung pháp lý cho vấn đề tiền điện tử này tuy nhiên hiện tại chúng ta chưa có được các quy định cụ thể.

Xin phải nhắc lại rằng, Blockchain và Tiền điên tử là hai khái niệm rất khác nhau, chính phủ các nước ủng hộ, hỗ trợ công nghệ Blockchain nhưng hầu hết chính phủ nghiêm cấm hình thức cung ứng, phát hành và lưu trữ tiền điện tử.

Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu tình hình các quốc gia vẫn như hiện nay thì Việt Nam chỉ cần nghiên cứu và cho ra đời nhanh nhất chính sách quản lý các cá nhân tổ chức kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Còn nếu các quốc gia đều đồng loạt ra đời tiền điện tử riêng thì có lẽ chúng ta cũng cần sớm nghiên cứu và có đồng tiền số riêng của chính mình tuy nhiên khả năng này tương đối khó xảy ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia còn rất e dè về lĩnh vực tiền số này.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Long - Diễm Ngọc