Tương lai sẽ thuộc về các siêu ứng dụng?
"Siêu ứng dụng" ra đời hướng tới đáp ứng mọi nhu cầu dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Và trong cuộc cạnh tranh "siêu ứng dụng" người dùng cuối sẽ là người hưởng lợi nhất.
Theo Forbes, siêu ứng dụng tạo ra một hệ sinh thái, ‘độc chiếm’ thời gian sử dụng của người dùng. Người dùng chỉ cần vào 1 ứng dụng làm nhiều việc mà không phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau. Mô hình siêu ứng dụng đang phát triển nhanh chóng ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về mô hình siêu ứng dụng. Các ứng dụng ban đầu chinh phục người dùng bằng một vài tính năng hữu ích, giao diện rõ ràng và trực quan. Ứng dụng sau đó được tăng cường bổ sung thêm các dịch vụ/chức năng khác. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với ứng dụng và nhảy vào cung cấp dịch vụ của họ trên đó. Ứng dụng ban đầu dần trở thành siêu ứng dụng.
Trung Quốc có dân số tầng lớp trung lưu thành thị đang phát triển nhanh chóng, mật độ cao, cho phép các công ty công nghệ tận dụng hiệu ứng ếch nhảy vọt. Với hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, ứng dụng WeChat của Tencent Holdings Ltd. là "ông hoàng" của các siêu ứng dụng. Ở Trung Quốc gần như không thể thanh toán bất cứ thứ gì bằng thẻ tín dụng, mọi thứ đều được thực hiện thông qua thanh toán di động.
Một người ăn xin bình thường trên đường phố ở Trung Quốc cũng có mã QR thanh toán di động để các nhà hảo tâm có thể làm từ thiện thông qua điện thoại di động. Thật khó để tìm thấy bất cứ ai muốn chấp nhận thẻ tín dụng dưới dạng thanh toán vì họ không muốn chịu phí giao dịch.
Trong khi đó, Grab và GoJek - startup của Indonesia khởi đầu là các nền tảng gọi xe, rồi nhanh chóng phát triển thành ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ khác xoanh quanh tính năng thanh toán qua di động.
Các thị trường mới nổi như khu vực Đông Nam Á đang tạo cơ hội cho các công ty kỹ thuật số phát triển mạnh. Không có cơ sở hạ tầng lỗi thời phải khắc phục trong các thị trường này - mọi thứ đều có thể được xây dựng từ đầu và điều chỉnh cho một thế hệ người dùng internet mới.
Bình luận về hướng đi siêu ứng dụng bùng nổ ở Đông Nam Á, giáo sư Nitin Pangarkar của Trường Kinh doanh NUS có chia sẻ: “Rất khó để tạo kiếm được lợi nhuận tốt từ mảng đặt xe, nhưng nó tạo ra các giao dịch tần suất cao. Trong khi đó, giao đồ ăn có triển vọng tốt về lợi nhuận và sự kết hợp cả hai tạo tiền đề tốt cho dịch vụ thanh toán.”
Tại Việt Nam, xu hướng siêu ứng dụng cũng đã bắt đầu nhen nhóm, tiêu biểu phải kể đến Grab, GoViet, Zalo… đều là các ứng dụng ban đầu chỉ phục vụ một dịch vụ, nhưng sau đã tích hợp đa dạng hóa các loại hình trên cùng một nền tảng.
Ở Việt Nam và cả Đông Nam Á, không phải nền tảng nào cũng dùng thuật ngữ ‘siêu ứng dụng’ để nói đến tầm nhìn bản thân. Nhưng về bản chất, việc phát triển ứng dụng đa tính năng đang là hướng đi chung. Bởi lẽ, các dịch vụ cốt lõi để phát triển lượng người dùng, đơn cử như gọi xe, có biên lợi nhuận thấp, hoặc lỗ. Vì thế, các nền tảng cần đa dạng nguồn thu để tối ưu giá trị thu được từ một người dùng.
Theo chia sẻ mới nhất, Go-Viet đang có 125.000 đối tác tài xế, hoàn thành 100 triệu chuyến xe, tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn đặt hàng trong 12 tháng hoạt động. Riêng mảng giao thức ăn tăng trưởng 25-35% mỗi tháng.
"Go-Viet hướng tới trở thành một "super-app" (siêu ứng dụng) dành cho Việt Nam, theo mô hình đang rất thành công mà tập đoàn liên kết Go-Jek đang triển khai ở Indonesia, một thị trường có điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm dân số tương đồng với Việt Nam", công ty khẳng định.
Để cạnh tranh lẫn nhau, các siêu ứng dụng liên tục đốt tiền vào các chương trình ưu đãi, càng nhiều ưu đãi, người dùng cuối sẽ càng hưởng lợi, nhưng các doanh nghiệp lại đau đầu với bài toán chi phí. Tuy nhiên, chạy đua ưu đãi không phải là giải pháp lâu dài.
Có thể thấy, thói quen tiêu dùng của người Việt lại vừa dễ vừa khó chiều, họ rất dễ đón nhận cái mới nhưng cũng dễ chán. Vì vậy, những ưu đãi thường thấy chỉ là cách đưa họ đến với ứng dụng. Không ai muốn cài đặt quá nhiều ứng dụng trên một màn hình điện thoại. Người dùng sẽ ở lại với một ứng dụng nếu nó sở hữu đầy đủ các dịch vụ cơ bản cần thiết, chi phí tiết kiệm và hơn hết là tạo cho họ cảm giác được sử dụng ứng dụng một cách thông minh.