Lotus, Gapo và tham vọng phân chia miếng bánh mạng xã hội

Phong Linh 16/09/2019 17:55

Tháng 7 mạng xã hội Gapo ra đời, tháng 9 Lotus ra mắt với nhiều phát ngôn mạnh mẽ. Thị trường mạng xã hội Việt chưa bao giờ được đầu tư rầm rộ như hiện nay.

Tối 16/9, VCCorp sẽ khai trương mạng xã hội Lotus, tập trung vào nội dung, tấn công vào thị trường ngách để phát triển. Cách đây 2 tháng, mạng xã hội Gapo cũng rầm rộ ra mắt, tuyên bố mục tiêu 50 triệu người dùng vào năm 2021. Thị trường mạng xã hội Việt bỗng trở nên sôi động chưa từng có. Chỉ trong 2 tháng đã có 2 mạng xã hội Việt được đầu tư rất mạnh ra đời, lăm le chiếm lĩnh thị phần của các ông lớn. Liệu đây có phải là “châu chấu đá xe”?

Điểm mặt những gã khổng lồ

Facebook

Nói tới mạng xã hội là phải có Facebook vì lượng người dùng và độ phổ biến hiện nay. Sở dĩ Facebook có thể phát triển mạnh như vậy vì nó đáp ứng được mong đợi của đa số người dùng. Facebooker có thể chia sẻ tâm tư, suy nghĩ hay đăng ảnh đẹp, vừa cập nhật tình hình về bạn bè, tin tức trong và ngoài nước dựa trên những chia sẻ của mọi người. Nổi bật nhất là khả năng tương tác tiện lợi thể hiện qua lượt like, bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ, livestream trực tiếp...

Theo Social Media Stats, tính tới tháng 5/2019, Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, lọt top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 14 triệu người dùng, đứng top 6 thành phố có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới.

Zalo

Được VNG phát triển và cho ra mắt từ 2012. Đây được coi là mạng xã hội “made in Vietnam” với hơn 100 triệu người dùng đến từ Việt Nam, Myanmar, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan…

Vốn là ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí nhưng Zalo còn được biết đến vì khả năng chia sẻ hình ảnh số lượng lớn với độ phân giải cao trong tích tắc. Không dừng lại ở đó, công cụ này ngày càng được hoàn thiện với nhiều tiện ích như cập nhật tin tức thường xuyên, mua sắm trên Zalo Shop, thanh toán Zalo Pay. Một số người không thích dùng Facebook vì nó có thể gây xao lãng, tốn thời gian, họ sẽ dùng Zalo như một phương tiện trao đổi thông tin và liên lạc nhanh chóng, tiện dụng.

Hiện tại, lượng người dùng Zalo ước tính khoảng 40 triệu, chiếm một nửa dân số Việt Nam. Đây là một con số khá ấn tượng. Nhà nước cũng sử dụng Zalo như nền tảng để xây dựng chính quyền 4.0, hỗ trợ người dân xử lý các thủ tục hành chính một cách thuận tiện nhất.

Youtube

Được xem là website được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới sau Google với 1.9 tỷ người dùng hoạt động trên Youtube. Mức độ phổ biến của Youtube trải dài trên 91 quốc gia và 80 ngôn ngữ khác nhau, chiếm khoảng 95% người dùng Internet toàn cầu.

Tại Việt Nam, số người sử dụng Youtube chiếm 12,81% (theo Social Media Stats). Dựa trên tổng thời lượng xem Youtube, 5 thị trường lớn nhất của nền tảng chia sẻ này là Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Những đoạn video yêu thích được mọi người chia sẻ ngẫu hứng, những đoạn clip được đầu tư bài bản, công phu là một trong những điều thú hút nhất của Youtube.

Đáng chú ý là cơ hội kiếm tiền online mà Youtube mang lại bằng cách tạo một kênh cá nhân trên đây và phát triển nó theo một mục tiêu đã định sẵn. Hình thức này đang ngày càng thu hút sự chú ý của người dùng Youtube và cả công đồng.  Bà Tân Vlog, Tam Mao TV là những ví dụ điển hình về khả năng thu hút người dùng trong thời gian ngắn theo cách này.

Instagram

Không giống với những trang mạng xã hội khác, Instagram đẩy mạnh tương tác và kể câu chuyện theo hướng đầu tư cho hình ảnh nhiều hơn. Một điều thú vị ở mạng xã hội này là số lượng người dùng nữ nhiều gấp 1.6 lần so với nam trong khi sự chênh lệch này ở các mạng xã hội khác là không lớn.

Instagram cũng trang bị nhiều tính năng chỉnh sửa hình ảnh để người dùng dễ dàng tùy biến theo ý thích của mình, đồng thời có thể xem hình ảnh của bạn bè và những người mà họ yêu thích trên toàn thế giới. Việt Nam hiện có 1.71% người dùng Instagram.

Lotus, Gapo và tham vọng chia miếng bánh

Trong báo cáo của Viện Pew Research có 80% người Việt Nam cho rằng, mạng xã hội là tích cực đối với xã hội, chỉ có 6% cho rằng tiêu cực với xã hội. Điều này nói lên rằng, bất chấp những hệ luỵ xã hội mà chúng ta đang nhìn thấy, phần lớn công chúng vẫn coi mạng xã hội là nền tảng cần thiết.

Chính vì sự thu hút của mạng xã hội đối với người Việt là rất lớn, và vẫn còn tăng trong thời gian tới. Trong khi những mạng xã hội trên vẫn có những bất cập nhất định chẳng hạn như vấn đề hạn chế tương tác hay bị quá nhiều quảng cáo làm phiền. Đâu đó, người Việt vẫn mong muốn có một mạng xã hội ưu việt hơn và trao cho họ nhiều quyền chủ động hơn.

Mới đây, sau chưa đầy 2 tháng ra mắt, Gapo đã đạt 2 triệu người dùng với trên 50% thuộc nhóm người trẻ, đặc biệt là sinh viên, học sinh trung học. Trong đó, nữ giới chiếm khoảng 65%. Đây được xem là mạng xã hội mới dành cho giới trẻ với lượt tải về trên App Store và CH Play đứng số 1 trong nhiều ngày liền.

Ngày 28/8/2019, phiên bản website của Gapo được ra mắt với tên miền ngắn gọn, dễ nhớ: gapo.vn, và được chú ý bới tính năng tùy chỉnh giao diện theo sở thích người dùng. Ngày 8/9/2019, Gapo cập nhật thêm tính năng thay đổi giao diện giúp người dùng thoải mái theo dõi newsfeed của bạn bè và tin tức cộng đồng; tích hợp OTP – nhận OTP bằng cuộc gọi khi đăng ký Gapo; thêm kiểu tương tác bài viết; mời bạn bè cùng tải Gapo. Tham vọng của mạng xã hội này là con số 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Trong khi đó, công ty Cổ phần VCCorp đã chính thức công bố việc đầu tư phát triển mạng xã hội Lotus sau hơn một năm nghiên cứu và phát triển. Với sự góp vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước, dự án Mạng xã hội Lotus hứa hẹn tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các cá nhân và các nhà sản xuất nội dung thỏa sức sáng tạo để có được nội dung chất lượng hơn phục vụ người dùng là lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Với mong muốn đưa ra một định nghĩa mới về một mạng xã hội, lấy nội dung và trải nghiệm người dùng làm trọng tâm, sự ra đời của 2 mạng xã hội “Made in Vietnam” được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích tối đa cho người dùng, vì Gapo và Lotus sẽ phải cạnh tranh một “miếng bánh” để phát triển. Theo ông Hà trung Kiên, CEO Gapo, mỗi bên sẽ có được tập khách hàng của mình. Từ đó, tạo sân chơi và giữ chân người dùng. Chúng ta hãy chờ xem, liệu Gapo và Lotus có ‘cướp’ được người dùng của những gã khổng lồ trên kia không.

Phong Linh