Thuốc lá điện tử nguy hiểm ra sao?
Một số thành phần hóa học có trong dung dịch tạo hương của thuốc lá điện tử có thể làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp.
Xu hướng cấm thuốc lá điện tử
Một điếu thuốc lá điện tử hoạt động bằng pin và thả ra liều nicotine bốc hơi để người dùng hít vào. Nó đem đến cảm giác tương tự như khi hít phải khói thuốc lá nhưng không độc hại bằng. Từ một công cụ được giới thiệu là giúp cai nghiện thuốc lá, hay hạn chế việc hút thuốc lá, thì nay thuốc lá điện tử (vape) đang dần bị các nước trên thế giới quay lưng do những tác hại mà nó có thể đem lại.
Mới đây vào ngày 18/9, chính phủ Ấn Độ đã ra tuyên bố sẽ cấm thuốc lá điện tử. Cụ thể, bà Nirmala Sitharaman Bộ trưởng tài chính Ấn Độ cho biết lệnh cấm trên bao gồm việc cấm sản xuất, xuất nhập khẩu, vận chuyển, bán, phân phối, lưu trữ và quảng cáo thuốc lá điện tử.
Bà Sitharaman cho biết thêm rằng hiện giới trẻ Ấn Độ đang xem thuốc lá điện tử là một phong cách, trong khi các công ty bán thuốc lá điện tử lại đang quảng cáo sản phẩm của họ là một giải pháp để loại bỏ thuốc lá điếu.
Ấn Độ có khoảng 106 triệu người hút thuốc trưởng thành, biến đây trở thành một thị trường lớn cho các công ty thuốc lá truyền thống. Nhưng với lệnh cấm thuốc lá điện tử, các công ty khởi nghiệp liên quan thuốc lá điện tử sẽ bị đóng cửa hoàn toàn trong khi các đại gia thuốc lá truyền thống được phép tiếp tục hoạt động.
Theo Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp, 35% người trưởng thành Ấn Độ đang hút thuốc lá, 45,7 triệu người mưu sinh nhờ thuốc lá. Ấn Độ cũng xuất khẩu khoảng một tỷ USD thuốc lá hàng năm. Chính phủ nắm giữ cổ phần trong các công ty thuốc lá, bao gồm ITC, một trong những công ty lớn nhất của Ấn Độ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Ấn Độ là nước sản xuất thuốc lá lớn thứ 3 thế giới, là thị trường tiêu thụ thuốc lá truyền thống lớn thứ hai, mỗi năm có gần 900.000 người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá.
Lệnh cấm thuốc lá điện tử sẽ cần được phê duyệt chính thức khi quốc hội Ấn Độ trở lại vào mùa thu này. Hình phạt cho việc vi phạm lệnh cấm bao gồm tối đa một năm tù và phạt 100.000 rupee (1.405 USD) cho những người phạm tội lần đầu, theo Reuters.
Lệnh cấm Ấn Độ xuất hiện vào thời điểm Mỹ cũng đang chuẩn bị thắt chặt quy định để đáp lại những lo ngại xung quanh giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử. Trong tháng này, chính quyền Trump cho biết, họ đang thực hiện chính sách tuân thủ đối với thuốc lá điện tử có hương vị đặc biệt thu hút trẻ em.
Việc cấm thuốc lá điện tử được dư luận Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung đặc biệt quan tâm, xuất phát từ việc các quan chức y tế Illinois cho biết, một bệnh nhân nam nhập viện với tình trạng phổi tổn thương nghiêm trọng vào ngày 24/8. Sau đó không lâu, bệnh nhân tử vong. Các bác sĩ cho biết đây là nạn nhân đầu tiên tại Mỹ qua đời với nguyên nhân được cho là do tác hại của thuốc lá điện tử.
Kéo theo đó là một phản ứng dây chuyền. Tuần trước, Michigan trở thành bang đầu tiên cấm bán thuốc lá điện tử có hương vị. Thống đốc New York cũng kêu gọi ra lệnh cấm, và hai bang Massachusetts, California đang bàn thảo các biện pháp tương tự.
Tổng thống Trump thừa nhận đang có vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử và nói: “Chúng ta không thể để mọi người bị bệnh. Chúng ta không thể để con em chúng ta bị cuốn vào”.
Có thể bạn quan tâm
Thuốc lá điện tử có vô hại?
06:24, 30/06/2017
Thuốc lá điện tử gây ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thường
08:52, 01/06/2016
Thuốc lá điện tử
00:00, 13/05/2007
Những chất hóa học độc hại
Theo bà Lê Thị Thu – GĐ Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada phân tích:
Khi quảng cáo, các nhà sản xuất đều giới thiệu sản phẩm thuốc lá điện tử ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống, an toàn hơn cho người sử dụng. Bà đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Đã có rất nhiều nghiên cứu độc lập trên thế giới đã đưa ra những nhận định nhất định, đặc biệt là tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra kết luận rằng hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu. Và thuốc lá điện tử có khả năng khiến người sử dụng tiếp xúc với các hóa chất, độc tố có thể gây hại tới sức khỏe.
Qua tổng quan một số tài liệu nghiên cứu quốc tế, chúng tôi thấy rằng thứ nhất trong khói thuốc lá điện tử có chứa các chất ví dụ như là Glycol hay là Aldehyde và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hay là Polycyclic Aromatic Hyrocarbons (hydrocacbon thơm đa vòng), Nitrosamines, kim loại hay là phân tử silicate và các chất khác. Nhiều chất này là các độc tố được chứng minh là gây nên các nhóm bệnh tật và các thay đổi bệnh lý trong cơ thể. Và một số các hạt siêu mịn trong thuốc lá điện tử có khả năng làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp cho cả người hút và người không hút.
Trong đó có các hợp chất đặc biệt nguy hiểm mà không tìm thấy trong các thuốc lá điếu ví dụ như chất glyoxal.
Bên cạnh đó còn 1 số loại kim loại nặng như chì, Chromium, Niken và Formaldehyde của cả loại chứa Nicotine và không chứa Nicotine có nồng độ bằng hoặc cao hơn thuốc lá truyền thống trong các điều kiện thử nghiệm sử dụng bình thường.
Ngoài ra các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa nicotine – một chất gây nghiện trong thuốc lá. Ngoài tính gây nghiện, nicotine có thể tác động đến sự phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai và các bệnh tim mạch. Nicotine còn như một chất tác động tạo khối u và liên quan đến hình thành bệnh ung thư, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. “Người ta đã chứng minh rằng, tiếp xúc với nicotine ở trẻ vị thành niên có ảnh hưởng lâu dài tới phát triển của não bộ, tiềm năng dẫn đến những rối loạn về thần kinh. Khuyến cáo trẻ em vị thành niên, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì không sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine” – bà Lê Thị Thu cho biết.
Rất nhiều bằng chứng cho thấy hít nhiều các hương liệu dùng trong dung dịch điện tử lâu dài sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hiện nay theo nghiên cứu của WHO có hơn 7.700 chất tạo hương thuốc lá điện tử đã có mặt trên thị trường, một số chất tạo hương có chứa deacetyl, khi hít vào có thể gây viêm phế quản. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy rằng có 39/50 nhãn hiệu thuốc lá điện tử có chứa deacetyl. Và một nghiên cứu khác tại Mỹ năm 2018 cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày thì có liên quan đến việc tăng tỉ lệ bệnh nhồi máu cơ tim, tương đương với thuốc lá truyền thống.
Bà Thu quan ngại rằng, trong tương lai nếu Việt Nam không đưa ra được các giải pháp quản lý hoặc cấm như một số nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore) và trên thế giới thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam có thể sẽ gia tăng như đã xảy ra ở các nước trên thế giới.
Một trong những giải pháp được bà Thu đưa ra đó là cần có những khuyến cáo cấm bán và phân phối cho trẻ em. Đánh thuế ở mức cao đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử làm sao cho giá thành cao để việc tiếp cận các sản phẩm thuốc lá khó khăn hơn. Cần giải pháp về chính sách như quy định về chất có trong dung dịch thuốc lá điện tử, hàm lượng, nhãn mác, ...