Grab, Go-Jek lo sợ hiệu ứng domino từ luật Uber tại Mỹ

Theo ICTNews 23/09/2019 16:12

Các hãng taxi công nghệ như Grab, Go-Jek, Didi Chuxing lo ngại luật mới của California đối với các công ty như Uber, Lyft sẽ tạo hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến nền kinh tế chia sẻ.

Theo luật mới vừa được California thông qua, các công ty như Uber, Lyft phải đối xử với tài xế như nhân viên nếu không đáp ứng một số điều kiện. Họ phải được hưởng phúc lợi cũng như bảo hiểm như mọi người làm công ăn lương khác. Họ được ăn lương tối thiểu, nghỉ ốm, bảo hiểm y tế và các biện pháp bảo vệ khác. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Lorena Gonzalez, nữ thành viên hội đồng bang California, người soạn thảo dự luật, cho rằng: “Là một trong các nền kinh tế mạnh nhất thế giới, California thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu đối với bảo vệ người lao động để các bang và nước khác tuân theo”.

Số lượng các đối tác trong nền kinh tế chia sẻ trên toàn cầu ngày một tăng nhanh khi mọi người theo đuổi công việc không bị bó hẹp về thời gian lẫn địa điểm. Tại Đông Nam Á, các “kỳ lân công nghệ” như Grab, Go-Jek đang có 4,5 triệu và 1,7 triệu tài xế, tương đương với Uber và Lyft với 3,9 triệu và 2 triệu tài xế.

Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ tầng lớp lao động này tại châu Á lại tương đối ít ỏi. Chẳng hạn, tại Indonesia – thị trường gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, tài xế Go-Jek và Grab tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi quyền lao động, bao gồm một cuộc vào tháng 3 khi hàng ngàn người diễu hành trước cổng Điện Merdeka, Jakarta. Thay đổi trong luật của California có thể tiếp thêm động lực cho họ.

Đồng sáng lập Go-Jek Kevin Aluwi cho biết hệ sinh thái startup tại Đông Nam Á so với Mỹ rất khác biệt. Ông nhấn mạnh tại đây, các ứng dụng gọi xe đóng góp lớn cho đời sống tài xế.

“Các nền tảng như của chúng tôi thực sự đã nâng đỡ cuộc sống của mọi người trên nền tảng”. Ông cho biết thu nhập trung bình của tài xế sau khi gia nhập Go-Jek đã tăng 50%. “Tôi cho rằng do sự khác biệt về tình hình kinh tế và nhân khẩu học tại Đông Nam Á, có lẽ những luật như vậy (của California) không phải thứ chúng tôi cần ở đây”.

Didi Chuxing của Trung Quốc cũng đang được hưởng lợi thế tương tự do Bắc Kinh thể hiện sự ủng hộ đối với nền kinh tế chia sẻ và sẵn sàng gánh vác một phần trách nhiệm cùng với các doanh nghiệp.

Năm nay, Hội đồng nhà nước quyết định “bơm” thêm tiền vào hệ thống phúc lợi trong nỗ lực rộng lớn nhằm “xóa bỏ gánh nặng cho doanh nghiệp và tiếp năng lượng cho các bên tham gia thị trường”. Điều đó đồng nghĩa Didi Chuxing có thêm không gian để hít thở hơn là các đối thủ phương tây.

Uber và Lyft là đại diện nổi bật của kinh tế chia sẻ. Mô hình kinh doanh của họ dựa vào kết nối hành khách với tài xế, những người đăng ký làm đối tác độc lập. Tuyển dụng tài xế như một nhân viên sẽ khiến cả hai công ty này phải chi thêm không ít, đặc biệt khi chưa hãng nào có lợi nhuận kể từ quý I/2017.

Theo Barclays, theo luật mới, Uber ước tính bị buộc phải trả thêm 500 triệu USD chi phí thường niên, còn Lyft gánh thêm 290 triệu USD. Morgan Stanley dự đoán chi phí liên quan tới tài xế của Uber sẽ tăng 35%. Nếu các chi phí này được chuyển sang khách hàng, cước phí tại California có thể đắt hơn 25%, dẫn tới giảm 1-2% tổng số chuyến đi.

Theo ICTNews