Alibaba công bố chip AI nhằm thúc đẩy kinh doanh điện toán đám mây

Nguyễn Long 26/09/2019 12:28

Tập đoàn Alibaba hôm 25/9 đã giới thiệu chip logic AI đầu tiên có tên Hanguang 800. Theo Alibaba, con chip có thể thực hiện các nhiệm vụ học máy nhanh hơn đáng kể và tiết kiệm năng lượng hơn.

Con chip AI - Hanguang 800 - được sử dụng để cung cấp các tính năng trên các trang web thương mại điện tử của Alibaba

Con chip AI - Hanguang 800 - được sử dụng để cung cấp các tính năng trên các trang web thương mại điện tử của Alibaba

Thúc đẩy mảng điện toán đám mây

Động thái này có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh điện toán đám mây đang phát triển nhanh chóng và báo hiệu tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn riêng tại quốc gia này.

Alibaba cho biết, con chip này hiện đang được sử dụng nội bộ trong các hoạt động kinh doanh của công ty. Con chip AI - Hanguang 800 - được sử dụng để cung cấp các tính năng trên các trang web thương mại điện tử của Alibaba, bao gồm tìm kiếm sản phẩm và đề xuất cá nhân hóa. Nó sẽ được cung cấp cho khách hàng của Alibaba Cloud (điện toán đám mây) sau này.

Lấy ví dụ về những gì con chip có thể làm, Alibaba cho biết họ thường phải mất một giờ để phân loại một tỷ hình ảnh sản phẩm được các thương nhân tải lên nền tảng thương mại điện tử mỗi ngày, và chuẩn bị chúng cho các đề xuất tìm kiếm và cá nhân hóa. Sử dụng Hanguang 800, Taobao (công ty con của Alibaba) đã có thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong năm phút.

Alibaba đã sử dụng Hanguang 800 trong nhiều hoạt động kinh doanh cần xử lý máy. Ngoài các đề xuất và tìm kiếm sản phẩm, điều này bao gồm dịch tự động trên các trang web thương mại điện tử, quảng cáo và dịch vụ khách hàng thông minh.

Hanguang 800 do viện nghiên cứu DAMO Academy (được Alibaba thành lập vào cuối năm 2017) và T-Head, đơn vị bán dẫn chuyên biệt của Alibaba, phát triển. Được biết, Alibaba đã đầu tư hơn 15 tỷ USD vào DAMO để nghiên cứu và phát triển các thuật toán được thiết kế cho các ứng dụng kinh doanh, bao gồm các ứng dụng bán lẻ và hậu cần của Alibaba.

Theo Giám đốc Công nghệ (CTO) Alibaba Jeff Zhang, việc giới thiệu chip Hanguang 800 là một bước đi quan trọng trong nỗ lực theo đuổi các công nghệ thế hệ tiếp theo của Alibaba, tăng cường các năng lực tin học, qua đó sẽ thúc đẩy các lĩnh vực kinh doanh hiện có và mới có, đồng thời giúp nâng cao khả năng tiết kiệm năng lượng.

"Và trong tương lai gần, chúng tôi có kế hoạch trao quyền cho khách hàng của mình bằng cách cung cấp quyền truy cập thông qua hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây của chúng tôi cho máy tính tiên tiến có thể thực hiện được bởi chip, vào mọi lúc và mọi nơi" - CTO Jeff Zhang cho biết .

Kế hoạch phát triển kinh doanh

Mặc dù Alibaba chưa tiết lộ khi nào con chip sẵn sàng cho khách hàng điện toán đám mây của mình, nhưng con chip này có thể giúp các công ty Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Bởi cuộc chiến thương mại khiến cho việc hợp tác kinh doanh giữa các công ty công nghệ Trung Quốc và Mỹ trở nên khó khăn hơn. Nó cũng có thể giúp Alibaba Cloud phát triển ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, trong lĩnh vực máy tính đám mây, Alibaba hiện chiếm ưu thế so với các đối thủ khác ở Trung Quốc với 47% thị phần dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây trong quý 1 năm nay.

Với thị trường Trung Quốc, Alibaba là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, nhưng xét rộng hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Alibaba Cloud vẫn đứng sau Amazon, Microsoft và Google, theo Synergy Research Group.

Sử dụng chip trong kinh doanh điện toán đám mây của riêng mình có thể cho phép Alibaba bán dịch vụ đám mây mới cho khách hàng. Hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây là bộ phận phát triển nhanh nhất của Alibaba và đã được ban lãnh đạo đánh dấu là một lĩnh vực quan trọng cho tương lai.

Không chỉ riêng Alibaba quan tâm đến phát triển chip AI, trước đó Huawei đã cho ra mắt chip AI Ascend 910 của riêng mình, nhằm mục đích được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu. Các công ty sử dụng ứng dụng AI yêu cầu lượng dữ liệu khổng lồ để đào tạo các thuật toán thông minh và có thể mất vài ngày hoặc vài tuần. Huawei tuyên bố chip của họ là bộ xử lý AI mạnh nhất thế giới.

Sự ra mắt chip AI của Alibaba và Huawei - hai trong số các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc - làm nổi bật tham vọng của đất nước này để tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Hiện tại, các công ty Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ, nhưng việc Washington đưa Huawei vào danh sách đen và hạn chế quyền truy cập vào công nghệ Mỹ đã làm tăng sự tập trung của Trung Quốc vào chip.

Bắc Kinh nhấn mạnh ngành bán dẫn là một lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch của nhà sản xuất tại Trung Quốc năm 2025, một sáng kiến của chính phủ nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 40% chất bán dẫn mà họ sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.

Nguyễn Long