Công nghệ 5G đạt tốc độ phát triển nhanh chưa từng có
Theo Ryan Ding, thành viên Ban Giám đốc điều hành Huawei, chỉ trong 1 năm, các tiêu chuẩn, thiết bị đã sẵn sàng cho 5G và điều này chưa từng xảy ra trong các thế hệ truyền thông di động.
Tại Diễn đàn Băng thông rộng Di động Toàn cầu 2019, ông Ryan Ding đã chỉ ra tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của mạng 5G so với các thế hệ truyền thông di động trước đó.
Theo đó, đầu năm 2019, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên công bố các dịch vụ 5G. Chỉ vài tháng sau, Trung Quốc cũng đã ra mắt các dịch vụ 5G và hiện đang trên đường xây dựng 600 đến 800 nghìn trạm gốc 5G vào cuối năm 2020.
Các nhà mạng toàn cầu đang chạy đua để triển khai mạng 5G. Tính đến nay, đã có 56 nhà mạng trên toàn thế giới đã xây dựng mạng 5G và 40 nhà mạng đã triển khai cung cấp các dịch vụ 5G.
Theo Ding, các dịch vụ sẽ là một động lực chính cho sự phát triển ngành trong những năm tới. Ông nói thêm rằng các nhà mạng có thể kiếm tiền từ 5G trong ba lĩnh vực kinh doanh sau:
Thứ nhất, trong thị trường tiêu dùng, băng thông lớn và độ trễ thấp của 5G sẽ đưa các dịch vụ băng rộng di động lên một tầm cao mới. 5G sẽ tiếp thêm sinh lực cho các dịch vụ mới như AR/VR, phát trực tiếp (live streaming), video và trò chơi (gaming), mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới mà người dùng sẵn sàng trả phí.
Các nhà mạng cũng có thể sử dụng các cách tính mới làm cơ sở để tạo doanh thu, chẳng hạn như tính các mức giá khác nhau cho các mức độ trễ khác nhau, và cung cấp nội dung giá trị gia tăng phù hợp với thị trường địa phương. Họ có thể thiết kế các gói dịch vụ 5G hấp dẫn, thu hút người dùng đăng ký 5G. Đây sẽ là một chiến thắng cho cả nhà mạng và người tiêu dùng.
Thứ hai, trong thị trường băng thông rộng hộ gia đình, việc khỏa lấp khoảng cách kỹ thuật số và tăng tốc độ băng thông rộng là một mục tiêu bắt buộc và cũng là một mục tiêu kinh doanh để triển khai thương mại 5G.
Ở châu Âu, khoảng 70 triệu hộ gia đình hiện không được kết nối hoặc không được cung cấp dịch vụ. Các nhà mạng có thể sử dụng cả cáp quang cố định và mạng quang di động để nhanh chóng giải quyết vấn đề điểm đến cuối cùng (the last mile) trong truy cập băng thông rộng tại nhà.
Thứ ba, trong thị trường B2B, nhiều ngành công nghiệp đang nắm lấy 5G và hy vọng 5G sẽ cung cấp hiệu suất dịch vụ được đảm bảo theo quy định trong các cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) và hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ.
Khi một doanh nghiệp có phạm vi, mô hình dịch vụ và mô hình kinh doanh được xác định rõ ràng cho các ứng dụng 5G, các nhà mạng có thể cung cấp các năng lực 5G (như băng thông đường lên và đường xuống, độ tin cậy, độ trễ tổng thể) được xác định trong SLAs theo hình thức mô đun, để phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp khác nhau. Điều này cũng mở ra một loạt các cơ hội cho các nhà mạng.
"Đây sẽ là một quá trình lâu dài để 5G giúp chuyển đổi kỹ thuật số trong các ngành", ông Ding nói. "Các nhà mạng nên phát triển các khả năng mạng lưới mới, các khả năng vận hành và các mô hình kinh doanh ngay bây giờ để nắm lấy sự chuyển đổi của B2B".
Đáng chú ý, so với các nước trong khu vực, Singapore và Việt Nam được chuyên gia đánh giá sẽ là quốc gia triển khai mạng 5G sớm nhất khu vực ASEAN. Theo ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN, Singapore sẽ triển khai mạng 5G từ năm 2020, trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ vào năm 2021.
Theo báo cáo“5G tại Đông Nam Á: Tái khởi động tăng trưởng tại các thị trường doanh nghiệp và tiêu dùng” vừa được Cisco công bố, việc triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2025.
Theo dự báo nêu ra, đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập của mạng 5G sẽ ở mức 25 – 40% tại các quốc gia chính trong khu vực đồng thời đưa tổng số thuê bao 5G tại khu vực ASEAN được dự báo vượt mức 200 triệu vào năm 2025. Trong đó, tỉ lệ sở hữu thuê bao 5G tại Việt Nam chiếm khoảng trên 6%.
Ông Naveen Menon cho biết: “Việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm chín muồi đối với các nhà khai thác viễn thông. Tỉ lệ sử dụng dữ liệu di động đang tăng nhanh chóng khi người dùng tiêu thụ ngày càng nhiều dịch vụ và nội dung trên thiết bị cá nhân của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng CMCN lần thứ 4 với các công nghệ AI, IoT, in 3D, rô-bốt và thiết bị đeo tân tiến, để thúc đẩy tăng trưởng. Việc áp dụng thành công các công nghệ nêu trên chủ yếu phụ thuộc lớn vào nền tảng và khả năng kết nối của mạng viễn thông. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông tăng cường sự hiện diện của họ trên thị trường doanh nghiệp và duy trì sự tăng trưởng dài hạn trong mảng khách hàng này.”