Giao hàng bằng drone, tương lai của ngành giao vận
Google Wing đã giao thành công chuyến hàng đầu tiên bằng thiết bị bay không người lái, đánh dấu một tương lai mới cho ngành giao vận trên thế giới và cả Việt Nam.
Bước đầu thành công
Theo thông báo mới nhất của Google Wing – công ty con của Tập đoàn Alphabet, công ty đã thực hiện đợt giao hàng đầu tiên bằng máy bay không người lái (drone) tại Christiansburg, đánh dấu sự "mở đường cho dịch vụ chuyển phát bằng máy bay không người lái tiên tiến nhất trong cả nước Mỹ".
Chiếc máy bay không người lái màu vàng và trắng, chất đầy các gói hàng tại một trung tâm hoạt động địa phương gọi là "Tổ", nơi các nhân viên của Wing đóng gói hàng với khối lượng lên tới 1,3 kg, có thể giao trong vòng bán kính 10km.
Khi bay đến đích, máy bay không hạ cánh. Thay vào đó, nó sẽ lơ lửng phía trên ngôi nhà và hạ thấp gói hàng xuống bằng dây cáp.
Được biết, ở Mỹ, các công ty khác đang xúc tiến để ra mắt các dịch vụ tương tự, đáng chú ý nhất là Amazon, UPS và Uber Eats. Nhưng Wing là công ty đầu tiên nhận được giấy phép từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), cho phép công ty bay nhiều máy bay không người lái cùng một lúc.
Đáng chú ý, cũng trong tuần qua, vào ngày 16/10, Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã cấp giấy phép đầu tiên của nước này về thí điểm giao hàng bằng drone cho Antwork Technology - một công ty chuyển phát bằng máy bay không người lái có trụ sở ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.
Ý tưởng giao hàng bằng máy bay không người lái đã được tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon đề xuất từ năm 2013.
Khoảng 5-6 năm trước, trên một số lần phát sóng của show truyền hình 60 Minutes, CEO Jeff Bezos của Amazon đã tiết lộ công ty sẽ sớm đưa drone vào vận chuyển các kiện hàng và sản phẩm trong giới hạn đến 2,3kg để đưa đến tận cửa nhà người đặt mua chỉ trong 30 phút là nhiều nhất. Ông thậm chí còn cho công chúng xem thiết kế drone 8 động cơ được trang trí logo Amazon 2 màu đen - vàng rất ấn tượng và hứa hẹn.
Có thể bạn quan tâm
Startup Wing của Alphabet được cấp phép giao hàng bằng drone
04:05, 29/04/2019
UPS thử nghiệm chuyển phát hàng bằng máy bay không người lái
15:03, 22/02/2017
Viettel sẽ chế tạo máy bay không người lái
00:00, 07/06/2012
Tương lai của ngành logistic
Trong bối cảnh theo xu hướng phát triển chung của thế giới với làn sóng kinh tế số, thương mại điện tử ở Việt Nam đang được các chuyên gia dự đoán vô cùng tiềm năng.
Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bán lẻ về thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) trong năm 2018 đã tăng tới 30%.
Đặc biệt, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, Việt Nam hoàn toàn tin tưởng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử B2C sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, thị trường giao hàng kiện ở Việt Nam đang phát triển, theo đánh giá của McKinsey, đang ở giai đoạn bắt đầu, với bình quân đầu người từ 1 – 2 gói hàng mỗi năm, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 5 – 10 gói hàng/năm, ngưỡng được gọi là thị trường phát triển. Cơ hội phát triển lớn cùng sức nóng của thị trường thương mại điện tử khiến cho một số công ty khởi nghiệp nước ngoài gần đây cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh các tên tuổi xuất hiện từ khi Việt Nam mới mở cửa như FedEx, UPS, DHL.
Với tiềm năng của ngành thương mại điện tử kết hợp với sự phát triển dịch vụ chuyển phát như trên bằng drone có thể giúp mở rộng độ bao phủ và giải tỏa sức ép đối với các dịch vụ logistics truyền thống và giảm chi phí nhân công.
Nếu như thế giới đã có những tên tuổi như Amazon, Google Wing, hay như ở Trung Quốc nêu trên, Việt Nam cũng đang dần định hình và bắt đầu có những dự án đầu tiên.
Mới đây nhất, dự án “Drone Pro VN - Hệ thống thiết bị bay giao hàng tự động” của start up Drone Pro đã đạt giải nhất trong Vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp IoT Startup do Khu Công nghệ cao do Tp Hồ Chí Minh tổ chức.
Drone Pro là một startup cung cấp giải pháp vận tải mang tính chất đột phá trong bối cảnh mật độ dân số và xây dựng quá cao tại các thành phố hiện nay. Giải pháp đầu tiên mà Drone Pro giới thiệu ra thị trường là hệ thống vận tải đường không không người lái (Delivery drone system) giúp việc giao hàng tới các cao ốc văn phòng và chung cư được dễ dàng và nhanh chóng.
Mặc dù, hiện tại Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cũng như quy định về triển khai drone thương mại trong việc giao hàng. Do đó tương lai phát triển của drone trong lĩnh vực giao hàng nói riêng và hàng không thương mại nói chung vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Thế nhưng đối với Trần Võ Trung – CEO & Founder của Drone Pro, anh luôn tự tin vận tải bằng máy bay không người lái sẽ là tương lai đột phá của ngành vận tải bởi những ưu thế của nó.
Để có thể vận hành dịch vụ này, đòi hỏi thời gian thí nghiệm lâu dài, đảm bảo các quy tắc an toàn bay. Trong trường hợp của Antwork Technology – doanh nghiệp mới được Trung Quốc cấp phép nêu trên - để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, 90% các tuyến di chuyển của máy bay không người lái là bay phía trên các con sông ở khu vực đô thị. Bên cạnh đó, các máy bay không người lái này có thể tự giảm tốc độ và thay đổi lộ trình nếu gặp tình huống khẩn cấp hoặc thời tiết xấu.
Trước khi được cấp phép thí điểm, Antwork Technology đã tiến hành hơn 20.000 cuộc thử nghiệm logistics trong các khu vực đô thị và vùng đồi núi ở Chiết Giang, cũng như phải trải qua việc đánh giá rủi ro và nhiều chuyến bay thử nghiệm do CAAC giám sát.