Zuckerberg: Facebook đợi Mỹ phê chuẩn dự án tiền điện tử Libra
Facebook không có ý định thúc đẩy quá trình triển khai dự án tiền điện tử Libra khi mà chưa có sự chấp thuận của giới lập pháp Mỹ.
Đây là khẳng định được nhà sáng lập kiêm CEO Facebook, Mark Zuckerberg đưa ra trong phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ dự kiến vào ngày 23/10.
Trong văn bản được công bố ngày 22/10, ông Zuckerberg khẳng định Facebook sẽ trì hoãn kế hoạch giới thiệu Libra cho đến khi giải đáp được toàn bộ quan ngại của chính phủ Mỹ cho dự án này.
CEO Facebook khẳng định: "Cũng như các hệ thống thanh toán trực tuyến đang được áp dụng, Libra là cách để mọi người giao dịch tiền tệ. Tôi cho rằng chính sách tiền tệ là ưu tiên của các ngân hàng trung ương, không phải là ưu tiên của Libra."
Ông Zuckerberg cũng cho rằng trên thực tế thế giới cũng đang triển khai nhiều dự án tương tự.
Ngoài ra, nhà sáng lập Facebook cũng bác bỏ quan điểm cho rằng Libra được xây dựng để thay thế tiền của các quốc gia, trong bối cảnh dư luận nhiều nước đang bày tỏ quan ngại về việc Libra có thể ảnh hưởng tới hệ thống tài chính và tiền tệ trên thế giới.
Hôm 17/10, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cho rằng mọi đồng tiền điện tử dạng stablecoin phải giải quyết được tất cả các vấn đề về quản lý và luật pháp trước khi được phép phát hành.
Theo báo cáo, các đồng tiền điện tử dạng stablecoin - tiền điện tử được hỗ trợ bởi các đồng tiền truyền thống và các tài sản khác - sẽ đe dọa hệ thống tiền tệ và sự ổn định tài chính toàn cầu nếu được phát hành trên diện rộng.
Hồi tháng 6 vừa qua, Facebook công bố kế hoạch phát hành Libra, một dạng stablecoin, được hỗ trợ bởi các loại tiền tệ từ USD tới euro và các tài sản khác.
Đây được đánh giá là một trong những nỗ lực nổi bật nhất nhằm đưa tiền số vào ngành tài chính ngân hàng. Stablecoin được phát hành với mục tiêu phá bỏ giới hạn rằng đồng tiền số có giá trị cực kỳ biến động và không thể sử dụng trong thương mại và thanh toán.
Facebook từng khẳng định sự ra đời của đồng Libra sẽ giúp khắc phục nhiều điểm yếu của hệ thống thanh toán toàn cầu hiện nay như phí cao, thời gian chuyển lâu và thiếu độ tin cậy.
Đây đều là những điểm yếu khiến các khách hàng ngại thanh toán xuyên biên giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.