Thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt phát triển giữa những tranh cãi
Trung Quốc đã có 100 triệu người đăng ký thanh toán bằng khuôn mặt, trong khi đó ở Việt Nam đây vẫn là công cụ còn khá mới mẻ, đặc biệt khi thanh toán phi tiền mặt còn chưa phổ biến.
Công nghệ lấy gương mặt làm vé đang được giới thiệu tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và dự kiến mở rộng từ năm 2020.
Mỗi năm, thanh toán di động xử lý khoảng 200 nghìn tỷ Nhân dân tệ ở Trung Quốc. Dù vậy, một số chuyên gia dự báo gương mặt sẽ thay thế di động làm phương thức thanh toán phổ biến trong vòng 2 năm nữa. Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent sẽ dẫn đầu làn sóng. Mỗi dịch vụ đang có khoảng 1 tỷ người dùng. Hạ tầng thanh toán di động của Trung Quốc là một trong những hạ tầng tiên tiến nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống thanh toán sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt mới này đang được triển khai trên khắp Trung Quốc, có thể biến phương thức thanh toán bằng cách quét mã QR dường như trở nên lỗi thời. Camera 3D của hệ thống có thể chụp ảnh để quét gương mặt khách hàng đã được liên kết với hệ thống thanh toán số hoặc tài khoản ngân hàng.
Người dùng dù trang điểm đậm, nhạt hay thay đổi kiểu tóc có thể yên tâm đứng trước máy quét để máy nhận dạng và thực hiện giao dịch. Phần mềm nhận diện này đã dược sử dụng rộng rãi trong nhiều mặt của cuộc sống, từ nhận diện người vi phạm giao thông, nhận diện tội phạm đến quét gương mặt để phát giấy vệ sinh.
Hiện nay, Alipay, một công ty tài chính thuộc Tập đoàn Alibaba, đang đi đầu trong triển khai hệ thống thanh toán mới này ở Trung Quốc với 100 thành phố đã được lắp đặt hệ thống này. Công ty dự báo ngành này sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh và mới đây đã nâng cấp hệ thống thanh toán mang tên "Cười để trả tiền", sử dụng máy có kích cỡ bằng một máy iPad.
Theo kế hoạch, Alipay sẽ chi 3 tỷ Nhân dân tệ (420 triệu USD) trong 3 năm để triển khai công nghệ mới này.
Trong khi đó, hãng Tencent điều hành ứng dụng WeChat với 600 triệu người sử dụng, hồi tháng 8 vừa qua đã công bố máy thanh toán nhận diện gương mặt mới mang tên "Frog Pro" trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp đổ xô vào khai thác thị trường bùng nổ này.
Còn tại Việt Nam, giữa năm 2019, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã ra mắt bản thử nghiệm ứng dụng dịch vụ tài chính mới với tên gọi tham khảo Wee@ABBank.
Đây là ứng dụng tài chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng Giải pháp Xác thực Thanh toán bằng Nhận dạng khuôn mặt (Facial Payment) với nhiều hứa hẹn trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng.
Có thể bạn quan tâm
Startup kiếm nửa tỷ đồng nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt
06:08, 29/08/2018
Startup nhận diện khuôn mặt Trung Quốc thâm nhập Đông Nam Á
04:16, 01/07/2018
Máy ATM có khả năng nhận diện khuôn mặt đầu tiên trên thế giới
00:00, 01/06/2015
Tuy là hữu ích, nhưng nhiều cá nhân, tổ chức bày tỏ lo ngại rằng, sự riêng tư đang bị tổn hại bởi cách sử dụng công nghệ giám sát. Từ chính phủ, đến các cơ quan hữu quan đều có khả năng biết nơi ở và hoạt động của tất cả các công dân suốt ngày đêm - điều rất dễ bị lạm dụng... Nhiều người còn cho rằng, công nghệ này là độc đoán, nguy hiểm và vô pháp luật.
Tại Mỹ, Google viết trên blog phát triển, tuyên bố rằng hãng sẽ dừng việc phát triển hệ thống nhận diện khuôn mặt sử dụng AI cho đến khi giải quyết được những câu hỏi về chính sách thực hiện.
Google không phải là ông lớn công nghệ đầu tiên lên tiếng về mối lo ngại của công nghệ nhận diện khuôn mặt. Brad Smith, chủ tịch Microsoft cho rằng những điều luật công nghệ cần phải được xem xét và bổ sung đặc biệt là mục liên quan đến xâm phạm riêng tư cá nhân, phân biệt và giám sát.
Trong khi đó tại Anh, một số người đang kêu gọi cấm áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nhà nghiên cứu độc lập Stephanie Hare cho rằng cần có một lệnh cấm nhận dạng khuôn mặt trực tiếp, nơi các camera giám sát được trang bị công nghệ nhận diện người ở những nơi công cộng.
Vấn đề giám sát bằng nhận diện khuôn mặt đang trở mối quan tâm chính của các cơ quản lý Anh. Ủy viên Thông tin của Vương quốc Anh - Elizabeth Denham cho biết bà sẽ khởi động một cuộc thăm dò về cách sử dụng phần mềm này ở London, thêm vào đó, bà rất quan tâm đến việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng tăng trong không gian công cộng.
Xét từng trường hợp riêng lẻ thì các công nghệ nhận diện khuôn mặt đều mang tính sáng tạo và tốt cho những mục đích cụ thể. Tuy nhiên, khi kết hợp lại chúng có thể trở thành công cụ nguy hiểm cho tin tặc và theo dõi bất hợp pháp. Những tranh cãi về tính hợp lý của công nghệ này vẫn còn kéo dài và chưa thấy hướng thống nhất trong tương lai gần.