Mua lại Fitbit, Google nhắm tới mục đích gì?

Nguyễn Long 31/10/2019 07:00

Với thông tin Alphabet Inc – công ty mẹ Google đưa ra lời đề nghị mua lại Fitbit, có vẻ Google muốn khởi động lại mảng thiết bị đeo thay hiện tại của mình.

Theo CCS Insight dự đoán, 142 triệu thiết bị đeo sẽ được bán trên toàn thế giới trong năm nay, với giá trị 17,1 tỷ USD, cho thấy đây là một thị trường vô cùng tiềm năng, nhưng hệ điều hành cho thiết bị đeo Wear OS của Google hiện lại chưa có chỗ đứng vững.

Google mua lại Fitbit nhằm củng cố lại hệ sinh thái WearOS của mình?

Google mua lại Fitbit nhằm củng cố lại hệ sinh thái WearOS của mình?

Hiện nay, cả Google lẫn Fitbit vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố xác thực thông tin Alphabet đề nghị mua lại Fitbit. Không có gì chắc chắn các cuộc đàm phán giữa Google và Fitbit sẽ dẫn đến một thỏa thuận. Mức giá chào mua chính xác mà Google đưa ra cho Fitbit vẫn chưa được tiết lộ.

Fitbit được biết đến là nhà sản xuất thiết bị đeo hàng đầu nước Mỹ, doanh nghiệp này tạo nên tên tuổi của mình trong các thiết bị đeo bằng cách sản xuất một bộ theo dõi thể dục đơn giản, rẻ tiền, phổ biến.

Từ năm 2009, công ty đã sản xuất các vòng đeo tay đơn giản, ghi nhật ký hoạt động của người dùng và đồng bộ hóa với một ứng dụng.

Tuy nhiên, thị phần của thị trường thiết bị đeo ngay càng “chật chội” với sự gia nhập của các ông lớn như Xiaomi, Huawei với các thiết bị cạnh tranh về giá, thiết kế và công dụng.

Fitbit cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đồng hồ thông minh. Trong vài năm qua, Apple đã biến việc theo dõi thể dục trở thành một phần cốt lõi của Apple Watch. Không có gì ngạc nhiên khi doanh thu của Fitbit đã giảm trong ba năm liên tiếp, vì công ty đang bị o ép giữa các công ty Trung Quốc và Apple.

Một thỏa thuận đồng ý về đầu quân cho Alphabet được xem là sẽ giúp công ty này giữ vững thị phần chi phối trong lĩnh vực thiết bị theo dõi thể dục, vốn đang bị các đối thủ từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi đe dọa với các sản phẩm giá rẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Google Maps thêm tính năng phát hiện khu vực có cảnh sát bắn tốc độ

    13:30, 22/10/2019

  • Cuộc vui chóng tàn, người dùng iPhone sắp không được lưu ảnh gốc miễn phí lên Google Photos nữa

    15:00, 21/10/2019

  • Cá tính của Google, Microsoft, Apple thể hiện qua quảng cáo tai nghe

    12:30, 21/10/2019

Tuy nhiên, về phía Google, thỏa thuận này, nếu được xác nhận, sẽ thể hiện nỗ lực đổi mới để phát triển nền tảng Wear OS. Trước đây, Google đã tham gia vào thị trường thiết bị đeo trong nhiều năm với hệ điều hành Wear OS, nhưng đại gia tìm kiếm cạnh tranh rất chật vật với Apple Watch, dù được nhiều công ty, bao gồm LG, Fossil và TicWatch hỗ trợ. Ngay cả Samsung, một nhà sản xuất thiết bị Android hạng lớn, cũng tránh Wear OS để ủng hộ hệ điều hành Tizen của riêng họ.

Wear OS, tên đầy đủ chính thức là “Wear OS by Google”, trước đây có tên là Android Wear, là phiên bản hệ điều hành mở Android của Google thiết kế cho đồng hồ thông minh và thiết bị đeo khác.

Ông Leo Gebbie, công ty tư vấn CCS Insight nói thêm: "Mặc dù Google đã rất hăng hái trong cam kết về thiết bị đeo gần đây, nhưng động thái này cho thấy họ đang nghiêm túc về phân khúc này và có thể mang lại sự thúc đẩy mạnh mẽ với tham vọng của họ".

Trong khi đó, Dieter Bohn, biên tập viên The Verge đánh giá: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều khả năng Google có ý định bán máy theo dõi thể dục cấp thấp, giá rẻ hơn và đồng hồ thông minh cơ bản”.

Vấn đề thiết bị đeo tay chính của Google là tìm nguồn cung ứng hệ thống SoC (system-on-a-chip – hệ thống trên một vi mạch) tốt phù hợp với đồng hồ thông minh.

Cả đồng hồ của Apple và Samsung đều có lợi thế về hiệu năng và thời lượng pin so với mọi thứ chạy hệ điều hành WearOS, bởi vì cả Apple và Samsung đều có các bộ phận thiết kế chip riêng sản xuất các SoC thông minh hiện đại. Apple và Samsung đang đầu tư vào phần cứng smartwatch và phần cứng đó sẽ tốt hơn mỗi năm.

Google không tạo ra các SoC của riêng mình, do đó, Google phải dựa vào hệ sinh thái của các nhà cung cấp linh kiện để sản xuất bất kỳ loại phần cứng nào. Mặc dù việc này vẫn vận hành ổn cho mảng điện thoại thông minh, nhưng vấn đề là Qualcomm, công ty dẫn đầu thị trường về chip di động, chưa bao giờ thể hiện sự quan tâm đáng kể trong thị trường smartwatch.

Và việc mua Fitbit sẽ không giúp Google giải quyết các vấn đề về phần cứng như trên, trong khi đó nếu so sánh hệ điều hành Fitbit và Wear OS, hầu như ai cũng đánh giá Wear OS tốt hơn. Bởi vậy hiện không rõ mục tiêu của mua lại Fitbit  sẽ giúp Google như thế nào trong thị trường thiết bị đeo, nơi mà nó phải đối mặt với các vấn đề chuỗi cung ứng cốt lõi, khiến không thể cạnh tranh trong thị trường đồng hồ thông minh. Có thể Google tính toán cạnh tranh trong phân khúc cấp thấp hoặc mục đích chỉ để lôi kéo mọi người sử dụng các dịch vụ của Google nhiều hơn. 

Nguyễn Long