Kính VR của Facebook sản xuất tại Việt Nam có gì đặc biệt?

Nguyễn Long 05/11/2019 08:30

Trước đó, lãnh đạo Facebook cho biết sẽ mở rộng việc sản xuất sang Việt Nam với sản phẩm là kính thực tế ảo (VR) Oculus Rift S thế hệ mới.

Oculus Rift S của Facebook sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Oculus Rift S của Facebook sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Trong buổi gặp mặt giữa Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, lãnh đạo Facebook cho biết hiện Facebook có triển khai một số hoạt động hỗ trợ tại Việt Nam cho các SME, nữ doanh nghiệp và cộng đồng startup.

Đồng thời, lãnh đạo Facebook cũng thông tin tập đoàn này đã chính thức mở rộng sản xuất sang Việt Nam với sản phẩm là kính thực tế ảo Oculus Rift S thế hệ mới và đang tích cực tìm kiếm các đối tác để sản xuất các sản phẩm khác nữa tại Việt Nam.

Đây là bước tiến quan trọng trong cam kết đầu tư của Facebook tại thị trường Việt Nam, là một phần của nỗ lực đa dạng hóa các cơ sở sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Facebook.

Khi ra mắt trong năm 2019, Oculus Rift S được giới chuyên môn và các nhà đánh giá sản phẩm đánh giá cao ở tính tiện dụng, đơn giản và nhẹ nhàng, một "siêu phẩm" được giới yêu công nghệ mong đợi.

Kính VR Oculus Rift S là phiên bản nâng cấp của dòng kính VR Oculus Rift do Oculus VR, một bộ phận của tập đoàn Facebook sản xuất. Theo báo cáo của Nielsen, ước tính Oculus Quest đã bán được 180.000 đơn vị sản phẩm (trị giá khoảng 72 triệu đô la) trong quý thứ ba. Tổng cộng, Facebook đã bán được khoảng 400.000 sản phẩm Oculus Quest cho đến nay.

Hiện tại cả hai phiên bản Oculus Quest và Oculus Rift S đã được bán từ ngày 21 tháng 5 và đều có giá 399 USD, còn ở Việt Nam đang được bán với mức giá từ 12 triệu đồng.

Khác biệt của hai thiết bị đó là Quest có tính di động cao, song Rift S thì có khả năng công nghệ cao hơn vì nó phải kết nối với PC chạy Windows 10 để hoạt động.

Năm ngoái, nhiều nguồn tin cho hay Facebook sẽ bỏ phần cứng VR cần có PC để hoạt động, vốn mang lại hiệu suất cao nhất và tập trung vào các game thủ, để hướng đến dòng kính độc lập như Oculus Quest. Oculus Rift S dù là bản cập nhật khiêm tốn vẫn chứng tỏ rằng Facebook không từ bỏ thị trường phần cứng VR cần PC.

Bộ kính mới là sự kế thừa cho bộ Rift ban đầu, bao gồm màn hình với độ phân giải cao và tính năng theo dõi mới có tên Oculus Insight. Ngoài ra, nó còn có tính năng Passthrough+, cho phép người dùng nhìn qua môi trường thế giới thực xung quanh mà không cần phải tháo kính ra. Rift S cũng bao gồm chiếc khăn quấn đầu để tăng sự thoải mái cho nguời dùng.

Theo CNBC, dù thực tế ảo là mảng dường như cách xa thị trường mạng xã hội cốt lõi của Facebook, cũng không liên quan đến sự tập trung vào việc nhắn tin riêng tư, CEO Facebook Mark Zuckerberg vẫn cho biết ông tin tưởng rằng nó sẽ trở thành “nền tảng điện toán lớn kế tiếp sau điện thoại di động trong khoảng 10 năm tới”.

Oculus Rift S là kính VR có dây hoạt động với PC cung cấp các chức năng và ứng dụng như Oculus Rift ban đầu. Nó có độ phân giải được nâng cấp so với Rift và bộ điều khiển Oculus Touch được thiết kế lại.

Rift S được tích hợp 5 camera trên kính hướng ra ngoài cho phép theo dõi chuyển động 6 mức độ tự do (6 DOF) mà không sử dụng cảm biến (sensor) bên ngoài.

Để kết nối với PC, Oculus Rift S sử dụng cổng USB 3.0 và DisplayPort chứ không dùng HDMI như phiên bản cũ. Việc khởi chạy các ứng dụng, Rift S khá lợi thế khi kết nối với máy tính, tận dụng được sức mạnh của máy tính, gần như Rift S có thể chơi bất kì game VR nào có trên thị trường.

Hiện tại, đối thủ nặng ký của Oculus Rift S chính là HTC Vive. Vào tháng 10 vừa qua, HTC Vive đã giới thiệu đến người dùng thiết bị thực tế ảo mới là Vive Cosmos với nhiều cải tiến cùng mức giá 25 triệu đồng. Theo HTC, Vive Cosmos là thiết bị đầu tiên dùng Vive Reality System, một triết lý thiết kế hoàn toàn mới cho VR, mang lại cảm giác của một thế giới thực trong môi trường VR.

Theo các chuyên gia, hiện phần lớn doanh thu hiện tại của HTC đến từ các thiết bị thực tế ảo VR như Vive Pro Eye, Vive Focus, Vive Focus Plus và Vive Cosmos, tất cả đều được đánh giá tốt. HTC thậm chí còn tin tưởng rằng VR sẽ là bàn đạp chính cho doanh thu của HTC cho đến hết năm nay. CEO của HTC, ông Yves Maitres cho biết: “HTC đã ngừng đổi mới về phần cứng điện thoại thông minh”. Thay vào đó, HTC sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu vào công nghệ thực tế ảo.

Nguyễn Long