Tương lai tất cả doanh nghiệp đều là doanh nghiệp công nghệ

Nguyễn Long 21/11/2019 16:21

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS, nếu doanh nghiệp không thay đổi, không kết hợp công nghệ sẽ bị đào thải trong tương lai.

Ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS

Ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS.

Xu hướng doanh nghiệp công nghệ

Hiện nay một xu hướng chúng ta đang thấy đó là nhiều ngành truyền thống kết hợp với công nghệ đã tạo ra những ngành mới. Ví dụ: ngành Tài chính - Financial thêm “Tech” thành Fintech, ngành Giáo dục - Education thêm “Tech” thành EduTech và hàng ngàn ngành mới ra đời đã tạo thành một luật chơi mới mà những công ty không thay đổi, không kết hợp với công nghệ sẽ bị đào thải trong tương lai.

Theo ông Sơn, trước đây, Tổng giám đốc của chuỗi cafe Starbucks từng nói rằng Starbucks không bán café mà bán trải nghiệm, tuy nhiên đến nay ông đã thay đổi vào nói rằng: “Starbucks là một công ty công nghệ bán café”.

“Tức là trong tương lai, tất cả các công ty, các doanh nghiệp đều trở thành doanh nghiệp công nghệ thì mới có thể sống sót được” – Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS .

Không chỉ vậy, rất có thể xu hướng thêm “tech” sẽ không còn mà sẽ quay lại với tên gọi truyền thống: “Và đến một giai đoạn sẽ không còn gọi là FinTech nữa mà lại quay lại là Financial bởi khi đó, công nghệ sẽ là điều tất yếu mà các doanh nghiệp cần có” – ông Thanh Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, chuyển đổi số là một quá trình, không phải đích đến. Ông dẫn số liệu, 43% nằm ở khám phá chuyển đổi số, 15% đăng ký vào cuộc chơi, 25% thực sự là digital player, 4% những công ty thay đổi ngành, tạo nên ngành mới. Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số cao gấp 1,5 lần các nước trên thế giới.

Nhận định cơ hội còn rất nhiều, đại diện FPT nhấn mạnh: "Cách tốt nhất để dự báo tương lai là tạo ra tương lai".

Đồng tình với việc doanh nghiệp phải thay đổi, ứng dụng công nghệ số, ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, những năm gần đây, nhận thấy những lĩnh vực cốt lõi như bưu chính, bán lẻ... bị cạnh tranh "tơi bời" trước làn sóng Fintech, ngân hàng điện tử, ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi số, dựa trên các framework của nước ngoài, đưa vào vận hành công nghệ mới, dữ liệu IoT.

Kết quả năm ngoái, doanh nghiệp đạt doanh thu 1 tỷ USD, cán mục tiêu đề ra trước 2 năm, lãi 300 đến 400 triệu.

"Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số với phương châm nghĩ lớn", đại diện VNPost nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp cần gì để chuyển đổi số hiệu quả?

    10:32, 30/10/2019

  • Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình: Hãy tìm 'tri kỉ' trong chuyển đổi số

    16:30, 29/10/2019

  • Doanh nghiệp chuyển đổi số đối mặt với những thách thức gì?

    18:15, 26/10/2019

Sản phẩm mới của thời kỳ số

Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp kết nối với nhau trong giá trị mới, tạo ra cơ hội trong nhiều ngành khách nhau. Hai bên chia sẻ dữ liệu, dịch vụ, khách hàng trên một nền tảng nào đó.

Sự tham gia của công nghệ đem thêm phần hồn trong sản phẩm. Một sản phẩm trước đây chỉ đơn thuần có phần cứng như một đôi giày, thì nay đã có thêm phần mềm (chip, cảm biến...). Như vậy, một sản phẩm trong thời kỳ mới bao gồm cả phần cứng và phần mềm.

Đại diện FPT IS gọi đó là "nền kinh tế xếp tầng". "Một chiếc giày có chip, phần mềm, khách hàng, ứng dụng bán hàng, bộ máy phân tích dữ liệu, logistic. Tất cả những khâu này sinh ra dữ liệu, dữ liệu làm nên giá trị cho chính doanh nghiệp", ông Sơn phân tích. 

Với hãng giày Nike, đã đổi mới sáng tạo khi thêm công nghệ vào trong những đôi giày cộng với hệ sinh thái của Nike đã biến đôi giày của mình có phần “hồn” gắn bó với khách hàng.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng không nên quá vội vàng, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc sản phẩm đang chiếm vị thế đối với khách hàng. Ông Marc Hoelmer, Giám đốc Tư vấn Quản trị rủi ro không gian mạng, Deloitte Việt Nam cho rằng để bắt đầu quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp nên tập trung vào đối tượng khách hàng, quan tâm đến những hành vi khách hàng. Bên cạnh đó, việc tích hợp việc kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng theo nhiều hướng, đa kênh để tiếp cận tối đa lượng khách hàng có thể.

"Doanh nghiệp cần có tham vọng lớn. Mọi chiến dịch kinh doanh, phát triển phải triển khai thật nhanh. Công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát rủi rõ cũng như tăng hiệu quả vận hành tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Marc Hoelmer kết luận.

Bằng kinh nghiệm quốc tế, Marc khẳng định rằng sự phát triển của công nghệ theo cấp số nhân đã tạo ra sự đột biến trong chuỗi cung ứng. Mọi quy tắc truyền thống đều phá vỡ hoặc bị phá vỡ, theo Marc.

Những tiến bộ kỹ thuật công nghệ đang biến các chuỗi cung ứng truyền thống phát triển thành mạng lưới cung ứng kỹ thuật số. Điều này cho phép việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, giảm thiểu chi phí và sáng tạo hơn.

Nguyễn Long