ByteDance tách TikTok khỏi mảng kinh doanh
ByteDance, công ty sở hữu TikTok, sẽ tách mạng xã hội video ngắn này khỏi hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc để trấn an các nhà chức trách Mỹ.
Động thái của ByteDance nằm trong nỗ lực trấn an Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) rằng công ty có thể đảm bảo dữ liệu người dùng an toàn, tránh cáo buộc gián điệp liên quan đến Trung Quốc.
Nguồn tin của Reuters cho biết, ByteDance đã tách dần "nhóm phát triển kinh doanh và sản phẩm, nhóm tiếp thị và các nhóm chịu trách nhiệm pháp lý của TikTok ra khỏi ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc Douyin" từ đầu năm nay. Công ty cũng thuê đã thuê một bên thứ ba tư vấn về quy trình xử lý dữ liệu người dùng và khẳng định nội dung của TikTok nằm ngoài thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc.
Hiện tại, dữ liệu người dùng được lưu trữ trên máy chủ của TikTok gồm tên, tuổi, địa chỉ email, số điện thoại, dữ liệu vị trí, thông tin tài khoản và tất cả nội dung tải lên ứng dụng như ảnh hay video.
Ngoài ra, ByteDance đã thành lập đội ngũ giám sát hoạt động của TikTok ở Moutain View, bang California (Mỹ). Tính tới nay, công ty có 400 nhân sự Mỹ trong tổng số 50.000 nhân viên khắp thế giới, tăng từ 20 kỹ thuật viên người Mỹ trước khi mua lại Musical.ly. Hầu hết nhân sự Mỹ đều mới gia nhập vào đầu năm nay, khi công ty bắt đầu mở rộng hoạt động tại thị trường này.
Ngày 23/11, Ryan McCarthy, Bộ trưởng Lục quân Mỹ, cho biết quân đội sẽ tiến hành điều tra đặc biệt để đánh giá quan hệ giữa TikTok và chính phủ Trung Quốc. Các nhà chức trách Mỹ cho rằng dữ liệu của nền tảng đang được lưu trữ tại Trung Quốc và lo ngại các nội dung chính trị nhạy cảm có thể bị Bắc Kinh kiểm duyệt, cũng như nghi ngờ về chính sách bảo vệ dữ liệu người dùng của mạng xã hội này.
Năm 2017, ByteDance đã đầu tư 1 tỷ USD để thâu tóm ứng dụng hát nhép Musical.ly với giá 1 tỷ USD và sáp nhập với nền tảng chia sẻ video Douyin để tạo ra mạng xã hội TikTok.