Giải quyết bài toán Công nghiệp ICT phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”

Diễm Hương 14/01/2020 17:00

Năm 2020, theo chỉ thị 01 của Bộ TT&TT về định hướng phát triển ngành TT&TT, là “Năm chuyển đổi số quốc gia”. Trong đó, lĩnh vực Công nghiệp ICT phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”

phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.

Hệ sinh thái CNTT đa dạng được kỳ vọng sẽ cùng các doanh nghiệp CNTT cả nước giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình.

Đây là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, đưa chuyển dịch từ gia công và lắp ráp sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán “Make in Vietnam” và từ đó vươn ra thế giới.

Cho nên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT phải đi đầu trong chiến lược này. Trong đó, phát triển hệ sinh thái CNTT đa dạng đang được kỳ vọng sẽ cùng các doanh nghiệp CNTT cả nước giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình thông qua nhiều chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cùng giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.

Đặc biệt, công nghệ 5G là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số. Do đó việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đã có thể sản xuất các thiết bị 5G, cũng như cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G mang tên sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam, hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020.

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ được ban hành trong năm 2020 và hướng tới xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với định hướng thúc đẩy phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có một lực lượng hùng hậu với tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân tương đương với các nước công nghiệp phát triển.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số. 

Năm nay, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị chỉ đạo chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin Truyền thông phải chỉ đạo các doanh nghiệp ICT có kế hoạch đầu tư hạ tầng số, đi trước một bước chuyển đổi số và đi đầu trong cung cấp công cụ chuyển đổi số, mang ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ vì một Việt Nam hùng cường. 

Để hiện thực hóa các mục tiêu, tại Chỉ thị 01, Bộ TT&TT đã vạch rõ 20 nhiệm vụ chủ yếu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Vụ CNTT, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số cần tập trung triển khai trong năm 2020 như: Hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc CMCN 4.0; Hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Hoàn thiện và triển khai Đề án xây dựng và vận hành Trung tâm CMCN 4.0; Hoàn thiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và tổ chức thực hiện khi được ban hành; Tổ chức thí điểm các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu sản xuất và thương mại sản phẩm 5G và một số sản phẩm công nghệ cao khác…

Với lĩnh vực viễn thông, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam bước đầu thành công, đây là một thắng lợi cần phổ cập rộng rãi. Đó là cột mốc đánh dấu việc Việt Nam sẽ song hành với thế giới về công nghệ.

Diễm Hương