Chỉ thị 01 của Thủ tướng, doanh nghiệp mong sớm đi vào thực tiễn
Doanh nghiệp mong muốn từ chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, các đơn vị thực thi sẽ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng các chương trình cụ thể, tránh việc nói xong để đó.
Hôm 16/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong chỉ thị này, Thủ tướng đã đưa ra 12 giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, trong đó đặc biệt chú ý đến việc xây dựng khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong giai đoạn 2020 - 2021.
Đánh giá về chỉ thị số 01 của Thủ tướng, trao đổi với Báo DĐDN, CEO Fiin ông Trần Việt Vĩnh đánh giá: “Đây là những chuyển biến hết sức tích cực của Chính phủ về một tầm nhìn xây dựng đất nước chúng ta trở thành một đất nước phát triển, một đất nước giàu có.
Và từ tầm nhìn như thế, Chính phủ cũng đã có những chỉ thị, những chỉ đạo để các cơ quan quản lý các cấp nhanh chóng triển khai, ứng dụng. Qua đó giúp cho hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội để phát triển”.
Bên cạnh đó, vị CEO này cho rằng đây là một chỉ thị quan trọng để tạo ra sự chuyển biến trên thị trường.
Tuy nhiên, một điều băn khoăn không chỉ của riêng ông Vĩnh mà cũng là của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đó là làm sao để đưa từ chỉ thị sang thực tiễn một cách nhanh chóng nhất.
“Chúng tôi rất mong là các đơn vị thực thi sẽ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng các chương trình cụ thể theo chỉ thị chứ tránh việc nói xong để đó.” – ông Trần Việt Vĩnh cho biết.
CEO Fiin nói thêm rằng, nếu như không có các quy định cụ thể từ chỉ thị, mọi việc bị chậm lại theo dẫn đến cản trở, mất cơ hội xây dựng những dự án, những sản phẩm đổi mới sáng tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển thị trường, nhu cầu của khác hàng của các doanh nghiệp nội địa. “Đặc biệt, là cơ hội xây dựng được các doanh nghiệp đủ mạnh cho tương lai đủ sức cạnh tranh được với cả các tổ chức, các doanh nghiệp quốc tế. Rất có thể chúng ta sẽ mất trắng trên sân nhà.” – ông Vĩnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế số của Trung Quốc và hàm ý cho Việt Nam
07:15, 13/12/2019
Kinh tế số và kinh tế chia sẻ sẽ rút ngắn mọi khoảng cách
14:42, 07/12/2019
[VBF cuối kỳ 2019] Amcham: Cần xóa bỏ rào cản thương mại và khai phá tiềm năng kinh tế số
09:27, 10/01/2020
Tại Chỉ thị 01 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, đô thị thông minh, chính quyền điện tử... Những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tổng số doanh nghiệp ICT của Việt Nam tính đến cuối năm 2019 là 45.400 doanh nghiệp, tăng gần 7.000 doanh nghiệp so với năm 2018. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT năm 2019 ước tính đạt 112.350 tỷ USD. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp ICT đạt hơn 1 triệu người, tăng 5% so với năm 2018. Và tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước từ công nghiệp ICT năm 2019 là 54.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2018.
Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường… chính là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới.