Cuộc chiến 'siêu ứng dụng' tiếp tục nóng lên khi Line cũng muốn mở ngân hàng tại 4 nước châu Á
Năm 2019, Line đã có giấy phép kinh doanh ngân hàng tại Đài Loan, ông ty này triển khai các dịch vụ ngân hàng ở Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản.
Yahoo Nhật Bản, công ty được chống lưng bởi SoftBank, sẽ đẩy nhanh việc mở rộng ở thị trường châu Á cùng với ứng dụng nhắn tin Line khi hai tập đoàn dự định hợp nhất vào cuối năm 2020, nhằm mục đích bắt đầu kinh doanh ngân hàng tại Thái Lan, Đài Loan và Indonesia.
Trả lời phỏng vấn của Nikkei vào ngày 16/01, ông Kentaro Kawabe, chủ tịch kiêm CEO của Z Holdings (công ty mẹ của Yahoo Nhật Bản) nói rằng ông kỳ vọng Line sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ ngân hàng ở bốn thị trường.
"Các tệp khách hàng hiện tại của Line tại một số thị trường châu Á là tài sản lớn đối với chúng tôi. Vì vậy, chiến lược cơ bản là tận dụng tài sản đó để biến Line thành một siêu ứng dụng", ông nói bên lề diễn đàn "Sáng tạo châu Á".
Được thành lập tại Nhật Bản, Line có khoảng 185 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu. Trong đó, 4 nước Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là những thị trường nước ngoài quan trọng.
Dịch vụ tài chính và ngân hàng có thể trở thành ngành kinh doanh cốt lõi nếu công ty sau sáp nhập muốn tiến lên siêu ứng dụng, ông Kawabe nói. "Tài chính là một trong những lĩnh vực cung cấp các cơ hội kinh doanh lớn song song với việc số hóa", ông nói thêm rằng tài chính cũng là một lĩnh vực mà các tập đoàn internet lớn của Mỹ chưa nhắm đến.
Line đã có được giấy phép kinh doanh ngân hàng tại Đài Loan vào năm 2019. Công ty này sẽ triển khai các dịch vụ ngân hàng ở Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản thông qua quan hệ đối tác với các ngân hàng địa phương.
Tháng 11/2019, Z Holdings và Line đã đồng ý sáp nhập vào tháng 10/2020, các thỏa thuận hiện đang được các cơ quan hữu quan xem xét. Sau khi sáp nhập ông Kawabe sẽ trở thành chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn.
Mặc dù cả hai công ty đều có độ phủ lớn ở thị trường Nhật Bản, tuy nhiên họ cảm thấy khủng hoảng khi không thể tự mình cạnh tranh được với các tập đoàn internet của Mỹ và Trung Quốc như Google, Alibaba và Tencent.
Để theo kịp các đối thủ lớn, một trong những chiến lược quan trọng của Z Holdings và Line là mở rộng ra khu vực.
Trong cuộc phỏng vấn, Kawabe cũng cho biết công ty của ông sẽ xem xét việc mua lại các công ty khởi nghiệp ở châu Á, chẳng hạn như các công ty gọi xe và giao nhận thực phẩm. "Rất khó để các dịch vụ internet được chấp nhận ở một thị trường mới. Vì vậy, chúng tôi sẽ xem xét việc mua lại các công ty cung cấp dịch vụ ở các thị trường riêng lẻ."
Công ty của ông không có ngân sách cụ thể được phân bổ cho các thương vụ mua lại ở nước ngoài, nhưng họ sẽ xem xét các cơ hội trong từng trường hợp cụ thể nếu có và khi phát sinh, ông nói.
Ông Kawabe cho biết một trong những chiến lược để cạnh tranh với các tập đoàn internet toàn cầu là phát triển các dịch vụ giải quyết các vấn đề xã hội của Nhật Bản, như dân số già và quản lý thảm họa thiên nhiên. Ông nói rằng ông cũng muốn mang những mô hình kinh doanh như vậy đến các nước khác của châu Á. Các dịch vụ có thể là đặt chỗ du lịch trực tuyến cho người cao tuổi giàu có và sản xuất người máy để giải quyết tình trạng thiếu lao động, ông Kawabe nói.
"Là một quốc gia phát triển, Nhật Bản có nhiều vấn đề xã hội. Đông Nam Á sẽ gặp những vấn đề tương tự trong tương lai", ông nói.