Tin giả virus corona ngập tràn mạng xã hội
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng virus corona hoành hành, trên các mạng xã hội ngập tràn tin tức vì dịch bệnh này. Đáng chú ý, phần nhiều số đó là tin sai lệch, gây hoang mang và hiểu sai cho dư luận.
Cuối tuần qua, nhiều nội dung đăng trên các trang mạng xã hội Facebook và Twitter cho rằng, các quan chức chính phủ Mỹ hoặc một số nước khác đã bí mật tạo ra virus corona hoặc được cấp phép phát triển virus này.
Một nội dung kiểu như vậy đăng trên Twitter được chia sẻ đến khoảng 5.000 lần. Các bên thứ ba kiểm chứng thông tin khẳng định đây là những tin giả, và trên thực tế các nhà nghiên cứu đã tạo ra những chuỗi gien cho những chủng virus khác.
Có thuyết âm mưu cho rằng virus Corona là vũ khí hóa học của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo Maarten Schenk, Giám đốc công nghệ của Lead Stories, nhóm đã phát hiện thuyết âm mưu này xác nhận thông tin đó là không chính xác.
Có thể bạn quan tâm
Xác nhận 3 công dân Việt Nam nhiễm viêm phổi corona
16:22, 30/01/2020
Quảng Nam: Nữ tiếp viên hàng không âm tính với virus corona
15:26, 30/01/2020
Sân bay Nội Bài náo loạn vì 2 hành khách Trung Quốc sốt cao nghi nhiễm viêm phổi corona
14:30, 30/01/2020
Nhằm đối phó với tình trạng trên, Facebook cho biết những ngày gần đây, 7 tổ chức cộng tác với Facebook đã công bố 9 bản kiểm chứng thông tin và phát hiện hàng loạt tin giả liên quan đến chủng virus corona. Facebook thông báo đã dán nhãn những thông tin thiếu chính xác và giảm độ hiển thị trên trang thông tin của người dùng.
Phát ngôn viên của Facebook thông báo trên CNN Business rằng, công ty đang làm việc cùng các đối tác để kiểm chứng nội dung liên quan dịch bệnh. Khi các bài đăng và liên kết bị khiếu nại, hệ thống sẽ giảm khả năng chia sẻ trên nền tảng và cảnh báo người dùng về thông tin sai lệch.
Trong khi đó, Twitter khuyến nghị những người sử dụng mạng ở Mỹ tìm kiếm những hashtag của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) liên quan đến chủng virus corona. Đại diện Twitter nêu rõ các chính sách cấm người dùng mạng phối hợp với những ý đồ tung tin giả.
Khi người dùng tìm kiếm “coronavirus” tại Mỹ và các nước khác, bao gồm Hong Kong, Brazil, Úc sẽ được nhìn thấy các kênh thông tin chính thức về virus. Tại Mỹ, Twitter chuyển hướng người dùng tới Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Theo người phát ngôn Twitter, công ty không thấy thông tin sai lệch về virus corona tăng lên đột biến. Trong 4 tuần qua, có hơn 15 triệu tweet về coronavirus.
Tương tự, YouTube cho biết đang đầu tư mạnh nhằm nâng cao nội dung đáng tin cậy, theo đó ưu tiên hiển thị những nguồn tin đáng tin cậy đồng thời giảm thông tin giả phát tán trên trang chia sẻ video này.
Tại Việt Nam, mới đây nhất là trường hợp tài khoản Facebook “Nhàn Lê” đã đăng tải dòng trạng thái có nội dung: “Huế có 1 trường hợp dịch cúm corona, người Vũ Hán, đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế”. Sau khoảng 1 giờ đăng tải, dòng trạng thái được hàng chục lượt chia sẻ, gây hoang mang và lo lắng trong dư luận.
Ngay trong chiều cùng ngày, Bệnh viện Trung ương Huế đã nhanh chóng ban hành văn bản đính chính thông tin sai sự thật và đề nghị Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế xử lý, ngăn chặn thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ tài khoản mạng xã hội facebook “Nhàn Lê” đã thừa nhận hành vi tung tin sai sự thật, vô căn cứ của mình và ký cam kết sẽ không tái phạm. Cơ quan Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 12,5 triệu đồng.
Rõ ràng, tâm lý hoang mang của người dân đang bị kẻ xấu lợi dụng để để tăng tương tác bằng tin giả mạo. Chính vì vậy, để đề phòng cũng như hiểu biết đúng về dịch bệnh do virus corona gây ra, người dân nên tìm đến các nguồn thông tin chính thống như báo chí hoặc vào truy cập vào website của Bộ Y tế, tránh trường hợp nghe theo tin giả dẫn đến cách phòng bệnh sai cách.
Thông tin từ Bộ Y tế chiều 30-1 cho biết Việt Nam đã ghi nhận 3 bệnh nhân người Việt Nam dương tính với virus corona, cả ba đều trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Ngoài ra còn 1 ca nghi nhiễm đang chờ xác nhận. Theo đó, 3 trường hợp công dân người Việt dương tính với virus corona hiện ở Thanh Hóa và Đông Anh, Hà Nội. Như vậy cùng với 2 trường hợp người Trung Quốc đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM thì số ca nhiễm ở Việt Nam đã nâng lên 5 trường hợp. Ngoài ra còn một ca nghi nhiễm đang chờ xác nhận, đó là nữ nhân viên lễ tân khách sạn tại Nha Trang, người đã tiếp xúc rất gần với ông Li Ding (bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam). |