Trung Quốc biến thành 'quốc gia làm việc tại nhà', tất cả chỉ vì virus corona

Theo Tổ quốc 03/02/2020 14:06

Thay vì tới văn phòng làm việc, nhiều công ty ở Trung Quốc đang cố gắng tổ chức các cuộc họp và làm việc từ xa thông qua videochat hoặc phần mềm hỗ trợ.

Nhờ sự bùng phát của dịch bệnh do virus corona, "làm việc tại nhà" không còn là đặc quyền cho một số nhân viên đặc biệt, mà đã trở thành một điều cần thiết.

Và trong khi các nhà máy, cửa hàng, khách sạn và nhà hàng thay nhau báo cáo về việc giảm lưu lượng khiến các trung tâm thành phố biến thành "thị trấn ma" thì đằng sau cánh cửa đóng kín tại các căn hộ và nhà riêng ở khu vực ngoại ô, hàng ngàn doanh nghiệp đang cố gắng tìm ra cách duy trì hoạt động trong một thế giới ảo thông qua mạng Internet.

Alvin Foo, giám đốc điều hành của Repawn Digital, một công ty quảng cáo ở Thượng Hải với 400 nhân sự cho biết: "Đây là cơ hội tốt để chúng tôi thử nghiệm làm việc tại nhà. Rõ ràng, không dễ dàng gì đối với một công ty quảng cáo sáng tạo, công việc đòi hỏi mọi người phải động não rất nhiều."

Và nó không chỉ là một trường hợp đơn lẻ mà đã lan dần thành xu hướng. Hiện tại, hầu hết mọi người dân ở Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, do ảnh hưởng của dịch bệnh từ virus corona. Nhưng nhiều công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại và Trung Quốc đang dần biến thành quốc gia có số lượng lao động làm việc tại nhà lớn nhất thế giới.

Ngày càng nhiều công ty và doanh nghiệp cố gắng tổ chức các cuộc họp khách hàng và thảo luận nhóm thông qua các ứng dụng videochat hoặc sử dụng các nền tảng hỗ trợ làm việc từ xa như WeChat Work hoặc Bytedance's Lark.

Đội tiên phong cho mô hình nhân viên phân tán mới này là các công ty tại trung tâm tài chính Trung Quốc ở Hong Kong và thành phố Thượng Hải - nơi có hàng trăm nghìn nhân viên văn phòng trong các lĩnh vực tài chính, hậu cần, bảo hiểm, luật và các công việc "cổ cồn trắng" khác.

Một nhân viên ngân hàng ở Hong Kong cho biết sẽ kéo dài kỳ nghỉ ở nước ngoài của mình, vì anh có thể làm việc từ bất cứ đâu chỉ với máy tính xách tay và điện thoại. Những người khác thì cho biết các khoản chi tiêu về ăn uống và gặp gỡ cũng giảm bớt đáng kể, trong bối cảnh mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhau. Các giao dịch từ xa với các đối tác nước ngoài thậm chí giờ còn được ưu tiên hơn khách hàng bản địa.

"Không có ai tham gia các cuộc họp, lịch trình của tôi khá trống", Jeffrey Broer, một cố vấn về đầu tư mạo hiểm ở Hong Kong chia sẻ. "Một người đã gửi email cho tôi rằng: 'Chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu đó vào tháng 2 chứ?'"

Tiko Mamuchashvili, một nhà lập kế hoạch sự kiện cao cấp tại khách sạn Hyatt ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết theo kế hoạch sẽ trở lại làm việc vào thứ Sáu 31/1, nhưng sau đó được thông báo kỳ nghỉ của mình được kéo dài đến ngày 3/2. Tiếp đó, cô nhận được thông báo làm việc tại nhà thêm hai ngày nữa. Cuối cùng, thông báo gia hạn kỳ nghỉ đến ngày 10/2. Cô phải thông báo cho bộ phận của mình mỗi sáng về nơi ở của bản thân và báo cáo xem cô có đang bị sốt hay không.

"Thông thường, việc trở lại làm việc sau kỳ nghỉ có chút hơi kỳ lạ, nhưng lần này chuyện làm việc tại nhà như vậy thậm chí còn tạo gây ra cảm giác bất thường hơn", cô nói. "Với việc hủy bỏ sự kiện tại khách sạn, về cơ bản, tất cả những gì tôi có thể làm là trả lời email."

Một số nhà quản lý lo lắng "cuộc di cư" nơi làm việc này sẽ làm giảm năng suất chung, nhưng có bằng chứng cho thấy mọi chuyện có thể hoàn toàn ngược lại. Một nghiên cứu năm 2015 từ Đại học Stanford ở California, Mỹ cho thấy năng suất của các nhân viên tại Call Center ở công ty du lịch Trung Quốc Ctrip đã tăng 13% khi họ làm việc tại nhà, với môi trường làm việc thoải mái hơn.

Nhưng có người cười thì phải có kẻ khóc. Và đó là các công ty cho thuê không gian làm việc chung. Trong khi giá thuê bất động sản không ngừng tăng, dịch bệnh lại khiến mọi người không dám sử dụng các dịch vụ phòng làm việc tập thể.

"Đây sẽ là khoảng thời gian rất khó khăn", ông Dave Tai, phó giám đốc của Beeplus, một công ty cho thuê không gian làm việc tại Trung Quốc, với 300 nhân viên, chia sẻ. Virus corona đã trì hoãn việc công ty ông mở thêm các địa điểm mới ở Bắc Kinh. Và khi không có khách hàng, doanh nghiệp này có thể sẽ chết.

"Cốt lõi của không gian làm việc là cộng đồng, mọi người đến với nhau. Thật khó để thay thế sự tương tác đó bằng kết nối trực tuyến", ông nói.

Đối với nhiều công ty, việc hướng dẫn nhân viên văn phòng làm việc ở nhà chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Với các doanh nghiệp dựa nhiều vào máy móc, các công ty hậu cần và các cửa hàng bán lẻ, điều này sẽ khiến công việc của họ gián đoạn.

Casetify là một công ty sản xuất vỏ ốp cho điện thoại. Năm 2020 được cho sẽ là năm kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay, với mục tiêu tăng gấp đôi doanh số. Nhưng sự lây lan của virus từ thành phố Vũ Hán đã khiến các nhà máy cung ứng sản phẩm ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động. Casetify đã yêu cầu hầu hết nhân viên làm việc tại nhà. Một cửa hàng mới của công ty mở trong sân bay ở Hong Kong trống rỗng. Việc bán hàng trong thành phố cũng chao đảo.

"Bằng cách nào đó, mọi thứ phải tiếp tục, với bất kỳ giá nào", Giám đốc điều hành Casetify - Wes Ng - chia sẻ. Ông hiện đang làm việc tại nhà, trên máy tính xách tay. Casetify có khoảng 30 ngày hàng tồn kho, nhưng vị CEO nói rằng không có kế hoạch B nếu các nhà máy không sớm mở cửa trở lại.

Và ngay cả đối với những người có thể kinh doanh bằng Internet và điện thoại, virus cũng khiến họ không có nhiều việc để làm. Các ngân hàng cho biết IPO và nhiều giao dịch đang bị trì hoãn. Giá trị giao dịch trong 30 ngày đầu năm 2020 ở Trung Quốc đã giảm một nửa so với năm trước, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Bloomberg .

Nhà phân tích của công ty Nomura, Ting Lu cho biết, điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra: "Chúng tôi cho rằng coronavirus có thể giáng một đòn nặng nề hơn nữa vào nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, giống như SARS năm 2003."

"Mặc dù số liệu thống kê cho thấy coronavirus mới không gây chết người như SARS, nhưng nó đã lây nhiễm cho nhiều người hơn và tốc độ lây lan của căn bệnh này đang làm tăng thêm nỗi sợ hãi trong xã hội. Một phần lớn của những ảnh hưởng đối với nền kinh tế trong đợt bùng phát hiện nay có khả năng đến từ những thay đổi trong tâm lý con người", theo Warwick McKibbon, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra.

Ông cho biết SARS tiêu tốn của nền kinh tế toàn cầu 40 tỷ USD Mỹ và dự đoán "cú đánh" từ coronavirus sẽ đạt gấp ba hoặc bốn lần số tiền đó. "Sự hoảng loạn dường như là thứ gây tiêu hao lớn nhất đối với nền kinh tế, hơn cả cái chết", ông nói.

Với việc các nhà máy đóng cửa và nhiều nhân viên văn phòng làm việc ở nhà, nhiều người trong ngành dịch vụ của Trung Quốc cũng phải đối mặt với thời gian khó khăn. Không có khách hàng, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh khập khiễng. Ví dụ như các bộ phim bom tấn được dự kiến công chiếu đầu năm mới đã bị hoãn lại.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng linh hoạt chuyển sang sử dụng Internet để giúp níu giữ khách hàng trung thành, với hy vọng sẽ vượt qua dịch bệnh.

Fenix Chen, chủ chuỗi phòng tập thể dục ở Thượng Hải Hy Funny đã có ý định đóng cửa dịch vụ trong ba ngày Tết. Sau đó ông trì hoãn mở cửa trở lại cho đến ngày 10/2, theo khuyến nghị của thành phố.

"Hầu hết mọi người ở Thượng Hải về cơ bản đều ở nhà, tránh những nơi công cộng", ông nói. "Sự sợ hãi từ việc bùng phát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi."

Vì vậy, Chen đang khuyến khích khách hàng tập thể dục tại nhà và đăng các video hướng dẫn trực tuyến. "Nếu họ tiếp tục thói quen này, điều đó cũng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi sau khi đại dịch qua đi", ông chia sẻ.

Theo Tổ quốc