[COVID-19] Cơ hội lớn nhất lúc này là chuyển đổi số quốc gia
Hiện nay, dịch COVID-19 lây lan người sang người xảy ra liên tục trên toàn cầu.Trong hoàn cảnh này, cả nước phải gồng mình thực hiện nhiệm vụ chống dịch tốt, giữ nhịp độ sản xuất ổn định...
Để an toàn ổn định trong môi trường làm việc, công nghệ số một trong những biện pháp giảm thiểu lây lan virus nCoV. Vì vậy, cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, để tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số.
Thách thức đi liền với cơ hội
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, dịch COVID-19 đặt ra thách thức lớn, khi nhiều hoạt động sẽ bị đình trệ. Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, thách thức đi liền với cơ hội, có những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra thì mới xuất hiện. COVID-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nó là một điểm gẫy trong sự phát triển. Nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi.
Thực tế, thế giới bây giờ khó dự đoán, nhiễu loạn gần như trở thành trạng thái bình thường mới.
Chúng ta rồi sẽ phải nhiều lần đối mặt với những khủng hoảng như thế này, rồi phải học cách tăng sức đề kháng, dẻo dai, sáng tạo, thích ứng nhanh, hồi phục nhanh.
Và chỉ có công nghệ số giải được bài toán nhanh, phản ứng nhanh, thích ứng nhanh và sáng tạo nhanh.
Chính lúc này nhà nước, doanh nghiệp và xã hội nên đầu tư nhiều hơn, đầu tư mạnh hơn cho công nghệ số.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Trong công tác chuyển đổi số là để thay đổi cách làm việc, tự động hoá, mọi thứ lên môi trường số. Đây là cơ hội, vì nếu cứ bình thường, Việt Nam sẽ chuyển đổi số rất chậm. Bộ đã trình Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì sẽ ban bố, khởi động triển khai trên toàn quốc.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét, quyết định nhanh một số chính sách còn đang cân nhắc, như thanh toán không tiền mặt, tiền di động (mobile money), công nhận và cấp chứng chỉ học trực tuyến, cấm nhập khẩu công nghệ cũ 2G, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ...
Mục tiêu, Chính phủ đã xác định xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cộng đồng.
Trước đó, chỉ trong một tháng, chỉ số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi. Tức là một tháng bằng 20 năm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và bảo đảm chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm 2020, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đều giữ tốc độ tăng trưởng gấp đôi.
Kiến tạo thể chế để đẩy mạnh “nền kinh tế tại nhà”
Một số nhà dự đoán, nhà kinh tế đã đưa ra khái niệm “nền kinh tế tại nhà”. Có thể đây không phải là một khái niệm thực sự mới. Nhưng dịch COVID-19 lại tạo cho “nền kinh tế tại nhà” một bệ phóng mới để thực sự đi vào đời sống, ngay cả khi dịch bệnh qua đi.
Nhiều hoạt động kinh tế trước đây vẫn bị giới hạn bởi thói quen của người dùng nhưng hoàn cảnh của dịch COVID-19 đã và sẽ phá bỏ những thói quen đó.
Trong thời kỳ Cách mạng 4.0, các phương thức hoạt động kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ. Tuy nền kinh tế tại nhà phát triển sẽ không thay thế hoàn toàn nền kinh tế truyền thống được, nhưng nếu phát huy được hết tiềm năng của nền kinh tế tại gia thì sẽ giúp xã hội vận hành tối ưu hơn, giảm bớt những căng thẳng về giao thông, sự tốn kém năng lượng cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển.
Ví dụ, nếu như giáo dục truyền thống vốn đề cao yếu tố cộng đồng, thì giai đoạn hiện nay là cơ hội cho giáo dục số thể hiển những ưu việt. Đó không đơn thuần chỉ là những bài giảng được thực hiện thông qua các bài giảng truyền hình qua mạng, mà bằng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, giúp bài học trở nên sinh động hơn.
Lĩnh vực y tế cũng vậy, dịch COVID-19 đã và đang cho thấy rất nhiều những ưu điểm từ hình thức khám bệnh từ xa, giúp sáng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện và cũng làm giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.
Nhìn từ một góc độ khác, dịch COVID-19 gây ra cơn khủng hoảng không chỉ về mặt sức khoẻ, mà còn khủng hoảng kinh tế cho một số doanh nghiệp. Rồi như một hậu quả, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, sẽ có nhiều người nhàn rỗi, vì vậy, chúng ta cũng cần ngay lập tức nghĩ đến một nền tảng số giúp những người này nhanh chóng chuyển đổi kỹ năng, tái tham gia vào thị trường lao động.
Chính vì vậy, Bộ trưởng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy cùng nhau sáng tạo, cung cấp nhiều các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, từ giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí,...
Thành công trước nay thường đến từ chính giữa những cuộc khủng hoảng. Và đây chính là thời cơ hiếm có cho doanh nghiệp công nghệ số.
Đây cũng là cách mà các doanh nghiệp công nghệ số làm để bao mạng sống mà COVID-19 đã lấy đi, để sự cố gắng mà tất cả chúng ta đang chung tay chống dịch sẽ không bị phí hoài.