Các công ty toàn cầu thúc giục Mỹ phát triển công nghệ 5G

Theo Thanh niên 06/05/2020 16:00

Mục đích của hành động này là nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc lên cơ sở hạ tầng 5G.

31 công ty toàn cầu hôm 5.5 cho biết họ đã thành lập một nhóm gọi là Open RAN Policy Coalition (Liên minh Chính sách RAN Mở) để thay đổi cách mạng truy cập vô tuyến (RAN) hoạt động, hỗ trợ các mạng 5G dựa trên phần mềm. Ngoài ra, họ cũng đã cùng nhau thúc giục các nhà lập pháp Mỹ tài trợ cho sự phát triển công nghệ 5G bằng cách sử dụng công nghệ truy cập vô tuyến mở. Nhóm các công ty toàn cầu này bao gồm Google, Samsung, Cisco, Vodafone, AT&T, IBM, Microsoft, Verizon, Rakuten Mobile, Telefonica...

RAN là một phần của hệ thống viễn thông kết nối các thiết bị với các bộ phận khác của mạng thông qua kết nối vô tuyến không dây. RAN mở có nghĩa là cơ sở hạ tầng 5G có khả năng sẽ không bị phụ thuộc vào nhu cầu về phần cứng độc quyền đắt tiền.

RAN mở sẽ “thay đổi mô hình kinh doanh cho tất cả nhà cung cấp viễn thông, chuyển dịch vụ viễn thông sang phần mềm và điện toán đám mây thay vì dùng phần cứng độc quyền. Đây chỉ là một phần của công nghệ mạng mới. Dù hiện tại mọi thứ vẫn chưa sẵn sàng nhưng nó sẽ định hình lại cách thức và nơi các nhà cung cấp dịch vụ mua thiết bị”, ông James Lewis, Giám đốc Chương trình Chính sách Công và Công nghệ tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington (Mỹ), nói.

Theo nhóm các công ty toàn cầu, sự thay đổi mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp hoạt động trên hệ thống có thể thay thế cho nhau và tránh loại cơ sở hạ tầng mà ở đó một nhà sản xuất phải cung cấp hầu như mọi thứ. Nhóm liên minh đang thúc giục chính phủ liên bang Mỹ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm RAN mở và đưa ra chương trình khuyến khích để đa dạng hóa chuỗi cung ứng công nghệ, một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách ngày càng quan tâm khi công nghệ 5G đang chịu sự ảnh hưởng đáng kể từ phía Trung Quốc.

Đây không phải là nhóm liên minh đầu tiên được thành lập để thúc đẩy các tiêu chuẩn RAN mở. Tháng 2.2018, một số công ty công nghệ toàn cầu đã thành lập Liên minh O-RAN có trụ sở tại Đức, trong đó một hãng viễn thông lớn của Trung Quốc là China Mobile là thành viên sáng lập, theo South China Morning Post. China Mobile đã bị từ chối cấp giấy phép bán sản phẩm và dịch vụ tại Mỹ vào năm ngoái.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng tích cực loại trừ các nhà cung cấp của Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G trong nước vì lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Tháng 5.2019, Mỹ đã đưa Huawei Technologies vào danh sách đen, cấm các hoạt động mua bán giữa hãng viễn thông Trung Quốc đang đi đầu trong công nghệ 5G với các nhà cung cấp Mỹ. Tháng trước, một số bộ của Mỹ đã thúc giục Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) thu hồi giấy phép kinh doanh tại Mỹ của ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Trung Quốc bao gồm China Telecom Americas.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước cho biết tất cả dữ liệu di động truy cập vào các đại sứ quán Mỹ thông qua mạng 5G sử dụng thiết bị của Huawei đều sẽ bị chặn theo quy tắc mới về “đường dẫn sạch”. “Như cách chính quyền ông Trump đã đưa ra hành động chưa từng có để bảo vệ biên giới vật lý, chúng tôi cũng sẽ bảo vệ Mỹ trên các biên giới không gian mạng. Các nhà cung cấp công nghệ thông tin không đáng tin cậy sẽ không được quyền truy cập vào hệ thống của Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ dữ liệu trong mạng lưới của chúng tôi khỏi Trung Quốc”, ông Pompeo nói.

Theo Thanh niên