Vì sao các cuộc gọi video đang làm bạn mệt mỏi hơn?

Theo Thanh niên 06/05/2020 16:19

Vừa qua chúng ta đã chuyển qua giao tiếp bằng các cuộc gọi video nhiều hơn bao giờ hết, từ Facebook Messenger, Skype, Zalo, FaceTime cho đến Zoom hoặc Teams…

Các ứng dụng gọi video và hội nghị video này lập tức được cả xã hội chào đón, ngay cả những người hướng nội nhất cũng có nhu cầu tương tác với người khác trong khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng rồi thời gian qua đi, chúng ta bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với các cuộc trò chuyện qua video vì nhiều lý do.

Trên các trang tin, đã có nhiều bài viết chia sẻ về hiện tượng mệt mỏi do dùng Zoom quá nhiều. Sonya Dreizler, một chuyên gia tư vấn tại San Francisco (Mỹ) chia sẻ với trang tin Wall Street Journal rằng trước đây, Zoom chỉ dành cho các cuộc họp với khách hàng, nhưng giờ đây các cuộc vui và trò chuyện xã hội với con cái và người thân của cô đều thực hiện trên Zoom, nó đã gây ra sự mệt mỏi đáng kể theo cách ít ai ngờ.

Tương tự, Tarek, một sinh viên luật tại New York (Mỹ) cũng chia sẻ với trang MIT Technology Review rằng sau những ngày dài học tập qua Zoom, các cuộc trò chuyện video với bạn bè và gia đình cũng diễn ra trên ứng dụng này khiến anh cảm thấy có phần mệt mỏi và khó chịu. Hơn nữa, nếu từ chối lời mời hội thoại qua video lúc này sẽ thúc đẩy cảm giác có lỗi, vì chúng ta có ít lý do để từ chối khi mà hầu như phải chịu “giam lỏng” trong nhà của mình. Bạn bè của anh cũng có tình trạng tương tự khi cảm thấy mệt mỏi hơn cả tương tác ngoài đời thực.

Theo Suz Suzanne Degges-White, giáo sư kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn và giáo dục đại học của Trường đại học North Illinois (Mỹ) thì, “vấn đề ở đây là các tương tác video trực tuyến về cơ bản diễn ra theo cách khác so với các tiếp xúc trực diện. Khi chúng ta ngồi đối diện với ai đó, chúng ta thoải mái hơn và không quá lo lắng về sự cứng nhắc hay có xu hướng chú ý đến hiệu suất. Trò chuyện video khiến chúng ta phải để ý hơn về ngôn từ và thời điểm nhảy vào cuộc hội thoại”.

Trong các cuộc gặp mặt trực tiếp, chúng ta có thể đánh giá đối phương và biết rõ hơn thời điểm nào nên xen ngang vào hoặc chia sẻ một quan điểm nào đó. Trong video, chúng ta ít thấy các manh mối mà ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên nét mặt dù chúng phần nào được ghi lại. Ngoài ra, Suz nói thêm rằng chúng ta sẽ mất khoảng 85% khả năng giao tiếp do không có ngôn ngữ cơ thể và cũng không nhất thiết phải tiếp nhận các tín hiệu “phi ngôn ngữ” từ người khác một cách thích hợp. Do đó, các cuộc trò chuyện video có thể sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng và sự tập trung hơn so với trò chuyện trực tiếp.

Ngoài ra, các áp lực xã hội cũng đè nặng lên bạn mỗi khi tham gia các cuộc trò chuyện video đông người và khiến bạn phân tâm hơn. Bên cạnh đó, sự im lặng ở các cuộc hội thoại qua video cũng khó xử hơn, khiến người khác dễ cho rằng người đối diện kém thân thiện hoặc kém tập trung. Điều làm cho vấn đề phức tạp hơn so với các hoạt động giao tiếp thông thường.

Hầu hết các cuộc gặp và giao tiếp xã hội của chúng ta xảy ra ở những nơi khác nhau, từ không gian thân thiện ở quán cà phê cho tới không gian nghiêm túc ở công sở, nhưng bây giờ bối cảnh đó đã sụp đổ. Hãy tưởng tượng xem, nếu bạn đến một quán bar và trong cùng một quán bar đó bạn sẽ nói chuyện với các giáo sư của mình, gặp gỡ cha mẹ hoặc hẹn hò với ai đó, bạn có thấy lạ không? Đó chính xác là những điều chúng ta đang làm hiện nay. Tất cả các hoạt động đó đều diễn ra ở trong không gian ảo trên Zoom hay các ứng dụng hội nghị video khác như Teams.

Có một vài đổi mới công nghệ có thể giúp giảm bớt sự mệt mỏi. Chẳng hạn thay vì sử dụng khuôn mặt thật của bạn, bạn có thể dùng Animoji của Apple hay AR Emoji của Samsung để tăng “phi ngôn ngữ” khi giao tiếp qua mạng internet. Nhưng nếu đó là một công nghệ quá cao đối với bạn, chúng có thể làm bạn còn mệt mỏi hơn.

Do vậy, có một vài gợi ý để “giảm tải” đầu óc cho bạn trong lúc này như không nên lên lịch cho các cuộc họp mặt lần sau, nên dành thời gian nghỉ ngơi và tránh xa màn hình giữa các cuộc hội thoại để tận hưởng không khí trong lành quanh bạn. Để tránh “mang văn phòng về nhà”, bạn có thể thay đổi ánh sáng hoặc quần áo để biểu thị sự tự nhiên cho chính mình nếu bạn không muốn luôn cảm thấy đang phải làm việc 24/7 tại nhà, bởi ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi rất quan trọng.

Một tùy chọn khác là bạn có thể chọn tắt camera trong các cuộc họp video đông người khi mà bạn chưa tham gia phát biểu. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bạn có thể bỏ máy tính hoàn toàn và chuyển qua sử dụng điện thoại để giảm bớt căng thẳng. Đôi mắt của chúng ta đã quá tải trong những ngày cách ly xã hội và đây là lúc bạn nên điều tiết để giảm bớt các cuộc hội thoại video qua màn hình độc hại.

Theo Thanh niên