Nền tảng gọi xe công nghệ dần hồi phục sau đại dịch
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hàng loạt các nền tảng gọi xe công nghệ. May mắn thay, hậu dịch bệnh các ứng dụng này đã dần khôi phục.
Uber
Uber đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch toàn cầu COVID-19, để tránh thiệt hại về kinh tế ngày 6/5 vừa qua, Uber đã phải cắt giảm 3.700 việc làm do các dịch vụ đặt xe sụt giảm mạnh trong giai đoạn bùng phát đại dịch.
CEO Dara Khosrowshahi cũng sẽ từ bỏ mức lương cơ bản khoảng 1 triệu USD, trong quãng thời gian còn lại của năm 2020.
Kế hoạch sa thải này đã ảnh hưởng đến đội ngũ chăm sóc khách hàng và tuyển dụng của Uber, khi 2 bộ phận này chiếm khoảng 14% trong 26.900 người mà công ty đã tuyển dụng vào cuối năm 2019.
Báo cáo tài chính quý 1/2020 của Uber cho thấy một yếu tố tích cực đó là lượng khách đặt xe trong tháng này đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ Rides của Uber tiếp tục chiếm phần lớn doanh thu thuần được điều chỉnh trong quý đầu tiên ở mức 76%; dịch vụ giao đồ ăn Eats chiếm 16%.
Doanh thu của Uber đạt 3,54 tỷ USD, với mức lỗ trên mỗi cổ phiếu là 1,70 USD. con số đáng buồn với khoản lỗ 2,9 tỷ USD cho hoạt động kinh doanh của mình, ngay lập tức tin này đã khiến cổ phiếu Uber bốc hơi 3%.
Đóng góp vào khoản lỗ quý đầu tiên năm 2020 của Uber là 1,9 tỷ USD trong các khoản ghi giảm liên quan đến đầu tư vào các đối thủ Didi Chuxing và Grab. Uber cũng từng mất 1 tỷ USD cùng kỳ năm trước về vấn đề này.
CEO Dara Khosrowshahi cho biết hoạt động của Rides đã giảm khoảng 80% trong tháng 4, mặc dù đây là dịch vụ chiếm phần lớn doanh thu của Uber. Tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh doanh Eats đã trở thành một lớp lót bạc, ông cho biết.
Thời gian gần đây, khi mà toàn cầu rơi vào tình trạng phong tỏa do COVID-19, các đơn đặt hàng online nhằm ngăn chặn sự lây lan của virrus lại đã cứu cánh phần nào cho Uber Eats, với nhiều khách hàng và nhà hàng mới đăng ký dịch vụ này khi các quán ăn bị đóng cửa.
Doanh thu quý từ việc cung cấp thực phẩm nhà hàng tăng hơn 50% lên 819 triệu USD hàng năm. Đây là điểm sáng cho thấy sự khôi phục trong hoạt động của Uber bởi từ trước đến nay, mảng giao thực phẩm này luôn là gánh nặng của Uber, khi liên tục thua lỗ do phải chi tiêu lớn cho các chương trình khuyến mãi của khách hàng và ưu đãi tài xế.
Grab
CEO & Founder của Grab, ông Anthony Tan mới đây cho biết, Grab đã chứng kiến một sụt giảm mạnh lượng khách đặt xe với tỉ lệ hai con số tại một số thị trường.
CEO Grab nhận định rằng: “COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất ảnh hưởng đến Grab trong 8 năm tồn tại. Nó đã tác động chưa từng có đối với hoạt động, kinh doanh của Grab và sinh kế của các đối tác”.
"Chúng tôi sẽ phải đưa ra những quyết định và thực hiện những đánh đổi khó khăn khi tính toán ảnh hưởng tới kinh doanh", Tan chia sẻ. Để vượt qua khủng hoảng và đạt đến mục tiêu có lợi nhuận, Anthony Tan nhận định Grab cần cắt giảm chi phí, quản trị vốn hiệu qủa và thực hiện nhiều tinh chỉnh về vận hành. Được biết, các nhà lãnh đạo cấp cao của Grab, gần đây đã giảm 20% tiền lương để giúp doanh nghiệp đối phó.
Cũng như Uber, Grab cũng thực hiện cắt giảm chi phí bằng cách cho nhân viên tự nguyện nghỉ việc không lương hoặc giảm giờ làm và cho họ nghỉ phép là một trong những nỗ lực để doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng. Hãng tin tài chính Bloomberg đưa tin Grab đã đưa ra lựa chọn làm việc linh hoạt cho nhân viên trong khu vực, bao gồm cả nghỉ không lương cho nơi nào dư thừa công suất. Grab hiện có 6.000 nhân viên và được định giá 14 tỷ USD.
Trả lời Bloomberg, Grab cho biết đang thực hiện các biện pháp chủ động để bảo toàn tài sản và quản lý nhân viên trước khi cân nhắc tới cắt giảm lao động. Hiện tại có nhiều bất ổn do tình hình dịch bệnh và Grab chưa rõ suy thoái kinh tế sẽ kéo dài bao lâu.
Tuy nhiên, bất chấp mảng gọi xe sụt giảm thì mảng kinh doanh giao hàng lại phát triển tốt. Tan cho biết, khi nhiều người ở nhà hơn đã giúp thúc đẩy mảng giao hàng và thực phẩm trực tuyến. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng này, Grab đã bắt đầu mở rộng dịch vụ giao hàng cần thiết hàng ngày GrabMart và dịch vụ theo yêu cầu GrabAssistant tới nhiều thành phố và quốc gia hơn.
Do đó, GrabMart sẽ có sẵn cho người dùng ở Philippines, Myanmar và Campuchia, trong khi GrabAssistant sẽ có thể truy cập được ở Philippines, Indonesia và Thái Lan. Dịch vụ trợ giúp này cũng sẽ được khởi chạy lại tại Việt Nam.
Didi Chuxing
Ứng dụng gọi xe công nghệ lớn nhất Trung Quốc Didi Chuxing (Didi) cho biết, mảng kinh doanh lõi của họ đã dần khôi phục sau khi quốc gia khởi phát đại dịch COVID-19 này đi vào giai đoạn hậu dịch.
Theo đó, Chủ tịch của Didi bà Jean Liu cho biết: “Mảng kinh doanh cốt lõi của Didi Chuxing đã bắt đầu phát sinh lợi nhuận”. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ này lại không đưa ra bất kỳ số liệu cụ thể nào về lợi nhuận mà hãng này có được trước, trong và hậu dịch.
Bà Liu cho biết thêm, với việc thành phố Vũ Hán đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại đã giúp khối lượng gọi xe của Didi tăng khoảng 60-70% so với trước khi đại dịch xảy ra.
Đáng chú ý, khác với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực khác, Didi chưa thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự nào như Uber. Chủ tịch công ty khẳng định họ đã tính toán cân bằng nhất có thể để không ai bị mất việc làm trong giai đoạn này.